Nhiều tranh luận tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013”

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 28/09/2013

(TN&MT) - “Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013” với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược” mới được tổ chức tại TP...
   
(TN&MT) - Chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015); trong hai ngày 26 và 27/9, tại TP. Huế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức “Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013”, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược”.
   
  Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội mong muốn được nghe các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế phát biểu ý kiến, nêu quan điểm, góp ý, thảo luận và cùng tìm giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế xã hội 2013, 2014, cũng như kế hoạch 5 năm (2011-2015).
   
   
  Mở đầu tham luận, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng dù kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, song kinh tế Việt Nam vẫn còn “nghẽn mạch” và đang trong lộ trình xuống đáy, mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ như đã được chặn lại. Vấn đề tái cơ cấu đã được đặt ra nhưng chưa có hành động chiến lược do nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn. Các tập đoàn kinh tế Nhà nước không thể đồng khởi, nhiều đề án còn trên giấy. Bộ máy biên chế còn thừa và hệ thống lương thì thiếu, đói. PGS.TS Trần Đình Thiên cũng dẫn ra hàng loạt con số để khẳng định năm 2013 “các cơ sở tăng trưởng yếu hơn hẳn các năm trước”: tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng chỉ 6,5%; thu ngân sách khó khăn chưa từng thấy; đầu tư xã hội thấp (30% GDP); gần 25.000 doanh nghiệp đóng cửa (tương đương mức của năm trước, nhưng lại là những doanh nghiệp có thực lực bị chết); cầu rất yếu (tổng vốn đầu tư xã hội sáu tháng đầu năm chỉ đạt 40% kế hoạch năm; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 4,9% so với mức 6,5% cùng kỳ 2012)... PGS.TS Trần Đình Thiên kết luận cách tiếp cận và hệ giải pháp tái cơ cấu như hiện nay không khả thi. Theo đó, PSG.TS Trần Đình Thiên đưa ra nhiều giải pháp, kể cả trung dài hạn, mà trước mắt là cần tái cơ cấu đầu tư công, rồi đến doanh nghiệp Nhà nước và các ngân hàng. Về trung hạn cần soát xét thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên một số tọa độ đột phá chiến lược. Và giải pháp chiến lược là trong Hiến pháp sửa đổi cần có quy định bình đẳng các thành phần kinh tế và đất đai sở hữu trong nền kinh tế...
   
  Sau tham luận của PGS.TS Trần Đình Thiên, không khí của diễn đàn mỗi lúc nóng thêm, bởi nhiều ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học. Theo TS Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ, dù có dấu hiện hồi phục ở một số lĩnh vực cá biệt. Tuy nhiên, nếu xét trên mục tiêu tổng quát thì kết quả năm 2013 là tích cực. Nếu tái cơ cấu, nhất là đối với doanh nghiệp Nhà nước thì cần làm đồng loạt, nếu làm riêng lẻ sẽ không đem lại kết quả.
   
  Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng hiện nay cầu trong nước quá yếu. Làm thế nào để khôi phục tổng cầu mà không phải kích cầu. Tuy kinh tế có những mảng tối, nhưng cũng cần nhìn nhận những điểm sáng nếu không sẽ mất lòng tin. Và giải pháp được ông Nguyễn Xuân Thắng nêu ra để tái cơ cấu là thay đổi phương thức phát triển và thay đổi thể chế...
   
  Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu khái quát tình hình kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2013, trong đó nhấn mạnh một số kết quả đạt được trên các lĩnh vực, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.700USD... Để thực hiện thắng lợi Kết luận 48 của Bộ Chính trị trong việc đưa Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã tập trung ba nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tái cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện “Năm đô thị 2013”, với nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động du lịch tăng trưởng ổn định và bền vững. Sản xuất nông nghiệp ổn định. An sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Quốc phòng an ninh được giữ vững... Thừa Thiên Huế cũng mong muốn, thông qua diễn đàn kinh tế mùa thu 2013, ngoài sẽ có nhiều chính sách, kế hoạch, định hướng đúng đắn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Thừa Thiên Huế sẽ nhận được những ý kiến hữu ích mà các chuyên gia, nhà khoa học góp ý, gợi mở cho địa phương để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm nay và các năm tiếp theo.
   
                                                                               Bài & ảnh:  Xuân Giang