Cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân vùng chuyên canh cây dứa

Kinh tế - Ngày đăng : 00:00, 26/06/2013

(TN&MT)- Ngày 26/6/2013, tại Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia- Bộ NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp với...

 

 

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung bàn về thực trạng và định hướng phát triển cây dứa (Khóm) khu vực ĐBSCL; sản xuất và tiêu thụ dứa, đánh giá hiệu quả các dựa án triển khai trong thời gian qua; liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân- doanh nghiệp; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất dứa; thảo luận, trao đổi giữa người trồng dứa và các chuyên gia… Các đại biểu cũng đã phân tích sâu về cơ chế, chính sách nhằm tìm giải pháp phát triển sản xuất cây dứa an toàn và bền vững, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của loại cây này ở các tỉnh ĐBSCL.

PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng Bộ phận Thường trực phía Nam - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, dứa là một trong những loại cây ăn quả quan trọng trên thế giới, đứng hàng thứ 3 sau chuối và cây có múi, với tổng sản lượng đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó khu vực Châu Á chiếm 50% sản lượng, Châu Mỹ chiếm trên 30% sản lượng… Ở Việt Nam, dứa được trồng khắp khắp đất nước với diện tích khoảng 40.000ha, sản lượng đạt trên 500.000 tấn/năm, trong đó 90% diện tích tập trung ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Những tỉnh có diện tích trồng dứa lớn gồm: Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An…

Còn ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: “Nguyên nhân làm cho giá trị cây dứa không cao và việc sản xuất chưa bền vững là do mức tiêu thụ nội địa và xuất khẩu còn hạn chế, đầu ra chưa ổ định, giá thành bất bênh. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ theo chương trình ViệtGAP, chưa đúng mức, chất lượng giống, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp với từng khu vực…”. Cũng theo ông Nhơn, trên cơ sở những khó khăn, bất cập trong quá trình sản xuất, tiêu thụ… dứa, diễn đàn này là dịp để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các chuyên gia, nông dân thảo luận, trao đổi nhằm tìm kiếm, kiến nghị những giải pháp tích cực cho việc phát triển và tiêu thụ dứa bền vững. Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức của người nông dân về chuỗi giá trị cây dứa từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học tiếp cận sát hơn với thực tế để có chính sách, sản phẩm, công nghệ và dịch vụ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất cây dứa ở Việt Nam…

Bài & ảnh: Lê Hùng