Phát triển bền vững nghề cá trong cộng đồng các nước ASEAN
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 12:25, 27/06/2019
Cuộc họp Nhóm công tác nghề cá của ASEAN lần thứ 27 (diễn ra từ ngày 27 - 29/6) nằm trong chuỗi sự kiện Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN lần thứ 9, Cuộc họp Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN lần thứ 11 và Cuộc họp Nhóm công tác Thủy sản ASEAN lần thứ 27 kéo dài từ ngày 24 - 29/6/2019.
Nối tiếp các vấn đề được thảo luận từ những hội nghị trước, trong chuỗi sự kiện năm nay, đại diện các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục trao đổi các vấn đề về chống hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác IUU và hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững; truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác và nuôi trồng thủy sản; ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới khai thác và nuôi trồng thủy sản trong khu vực; xây dựng các chính sách phát triển thủy sản bền vững trong khu vực; đảm bảo an ninh lương thực và hài hòa các biện pháp kiểm dịch động thực vật trong khu vực; nâng cao năng lực quản lý nghề cá, đặc biệt là thực thi Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng...
Cuộc họp Nhóm công tác nghề cá của ASEAN lần này là cơ hội để các nước thành viên trao đổi, thống nhất phê duyệt kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hợp tác trong cộng đồng các nước ASEAN giai đoạn 2019 - 2020 và thảo luận về các vấn đề quan trọng nổi bật cần quan tâm trong khu vực, đưa ra định hướng phát triển nhằm xây dựng phát triển nghề cá khu vực bền vững, có trách nhiệm và đảm bảo an ninh lương thực.
Theo ước tính, khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, trong đó có 4/10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thủy sản cũng là một trong 12 ngành, lĩnh vực ưu tiên hội nhập của khu vực ASEAN với lộ trình tập trung vào 4 chủ đề chính là an toàn thực phẩm, nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ thông tin.
Việt Nam, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong việc cung cấp lương thực cũng như tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động. Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam đạt 7,74 triệu tấn, tăng 18,2% so với năm 2015. chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 Việt Nam định hướng phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại, nâng cao chất lượng, có trách nhiệm, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực… đồng thời tích cực thực hiện xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và thân thiện môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Luật Thủy sản năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo đó, Luật Thủy sản được ban hành là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi nghề cá của Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng thị trường thế giới, yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn của ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục chú trọng sự phát triển và đảm bảo sự công bằng đối với nghề cá quy mô nhỏ, đặc biệt là đời sống, lợi ích và quyền lợi của cộng đồng nghề cá quy mô nhỏ thông qua cơ chế đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Cuộc họp Nhóm công tác nghề cá của ASEAN lần này sẽ giải quyết các khó khăn về biến đổi khí hậu, điều kiện thị trường bất ổn cũng như các tiêu chuẩn và yêu cầu của quốc tế về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản ngày càng cao mà Việt Nam nói riêng và các nước khu vực Châu Á nói chung đang gặp phải.