Bén duyên với ong rừng dưới chân Bà Nà

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 16:21, 04/06/2019

(TN&MT) - Trại nuôi ong nằm duới tán rừng keo, cách không xa là những vạt rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, mới đến cách trại gần 1km đã nghe mùi hương từ mật ong tỏa ra thơm ngát, giữa trưa tháng 6, nắng như đổ lửa, nhưng khi bước vào trại nuôi ong, giữa rừng keo xanh mát, tỏa hương ngào ngạt, thấy người sảng khoái vô cùng…
Sau đợt tham quan ấy, trở về quê, anh Công còn quay ra thăm Bà Nà mấy lần nữa, rồi anh quyết định, rời quê hương Tiền Giang, ra Đà Nẵng lập trại nuôi ong mật dưới chân núi Bà Nà
Sau đợt tham quan ấy, trở về quê, anh Công còn quay ra thăm Bà Nà mấy lần nữa, rồi anh quyết định, rời quê hương Tiền Giang, ra Đà Nẵng lập trại nuôi ong mật dưới chân núi Bà Nà

Tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, nằm ngay dưới chân núi Bà Bà, trại nuôi ong mật của anh Nguyễn Chí Công hiện nay được đánh giá là quy mô, lớn nhất trong vùng. Chúng tôi gọi anh Công là người đang ngày ngày “đón hương rừng” Bà Nà kể cũng chẳng sai…

Anh Công - chủ trại ong là người rất vui tính, lại mến khách, thấy chúng tôi đến, anh chạy vội đi hái mấy trái chanh dây, rồi vắt vào nửa cốc mật ong mời chúng tôi, cười khà khà: “Đi nắng về mà mấy anh dùng thứ nước này là hết mệt ngay…”. Sinh ra lớn lên ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, từ nhỏ anh Công đã theo nghề nuôi ong mật.

Năm 2015, trong chuyến ra thăm quan Đà Nẵng, lên thăm khu du lịch Bà Nà, anh Công vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên và sung sướng: “Ước gì mình được ra đây lập một trại nuôi ong mật, thì còn gì bằng…!”. Anh Công bảo, Bà Nà có một thảm rừng nguyên sinh đủ hệ thực vật xanh tốt, khí hậu mát mẻ, có núi, có rừng, có suối, môi trường trong sạch, đây là nơi rất thích hợp với nghề nuôi ong mật…

Sau đợt thăm quan ấy, trở về quê, anh Công còn quay ra thăm Bà Nà mấy lần nữa, rồi anh quyết định, rời quê hương Tiền Giang, ra Đà Nẵng lập trại nuôi ong mật dưới chân núi Bà Nà. Bén duyên với Bà Nà, anh Công còn bén duyên với một cô sơn nữ ở thôn Trung Nghĩa, Hòa Ninh, hai vợ chồng anh thuê một vạt rừng keo quyết tâm lập nghiệp. Anh Công vào Công ty ong tại TP. Hồ Chí Minh mua 5 con ong chúa giống, đây là giống ong mật của Ý, khi sinh sản sẽ cho ra giống ong có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi với khí hậu, môi trường, và cho sản lượng mật cao và tốt.

Theo anh Công, phát triển nghề nuôi ong, ý thức bảo vệ rừng sẽ nâng lên rõ rệt, ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường sẽ được chú trọng, lại phòng chống được tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi
Theo anh Công, phát triển nghề nuôi ong, ý thức bảo vệ rừng sẽ nâng lên rõ rệt, ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường sẽ được chú trọng, lại phòng chống được tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi

Từ 5 con ong chúa giống, sau 4 năm, tới nay anh Công đã có một trại ong với hơn 300 đàn, trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh Công cho biết, nghề nuôi ong tuy không nặng nhọc, nhưng cũng phải luôn tay luôn chân suốt ngày. Vòng đời một con ong rất ngắn, chỉ 60 ngày, trung bình 30 ngày lại có thêm một đàn ong mới ra đời, vì vậy việc chăm sóc ong phải rất tỷ mỷ. Trước hết là vấn đề vệ sinh môi trường, trai nuôi ong phải đặt ở khu vực cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, tuyệt đối không để một thứ hóa chất độc hại nào như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu… đưa vào khu vực trại ong, kể cả bị ảnh hưởng mùi, không gần nơi dễ cháy, không gần nơi ô uế, rác rưởi bốc mùi hôi thối, không gần nơi chăn nuôi các động vật khác…

Kể cả người lạ, khi đi đường có mùi khác biệt, hoặc dính vương chất bẩn cũng không được vào trại ong. Nếu phạm vào những vấn đề trên, ong sẽ chết, hoặc bỏ tổ đi ngay. Hàng ngày, gần như 24/24 giờ, phải có người luôn trong coi, trực ở trại nuôi ong, không để bất cứ tác động nào ảnh hưởng đến khu vực nuôi ong. Anh Công cho biết, rất mừng là khu vực Bà Nà rất thích hợp với các điều kiện để nuôi ong, từ rừng cây, khí hậu, cả về vấn đề an ninh trật tự đối với loài ong cần nơi yên tĩnh, trong lành…

Rừng Bà Nà có thảm thực vật rất đa dạng, với nhiều loài cây, hoa quanh năm, nên chất lượng mật ong nuôi không thua kém gì ong tự nhiên trong rừng. Anh Công mở tủ lạnh lấy cho chúng tôi xem chai mật ong anh nuôi và bật mí, muốn biết chất lượng mật ong, chỉ cần bỏ chai mật vào ngăn đá, sau vài ngày mật vẫn không đông đặc, thì đó chính là thứ mật tốt. Trung bình mỗi năm trại nuôi ong của anh Công thu từ 15 tấn đến 20 tấn mật chất lượng tốt, được các doanh nghiệp chế biến mật thu mua ngay hoàn toàn. Giá cả mật cũng lên xuống tùy từng năm, có năm 300 nghìn đồng một kg, nhưng đầu mùa  năm 2019 này, giá chỉ 150 nghìn đồng một kg, ước tính anh Công sẽ thu khoảng hơn 250 triệu đồng cho vụ ong mật này.

Anh Công cười vang giữa rừng: “Tôi thấy nghề nuôi ong ở Bà Nà này sống khỏe…”.  Bà Nà rất thuận lợi cho nghề nuôi ong, nhưng tại địa phương, hầu như chưa thấy ai quan tâm. Theo anh Công, phát triển nghề nuôi ong, ý thức bảo vệ rừng sẽ nâng lên rõ rệt, ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường sẽ được chú trọng, lại phòng chống được tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi. Sản phẩm mật ong loại tốt hiện nay không đủ cung cấp trên thị trường, hiện nay một số người tại địa phương vẫn vào rừng để khai thác mật ong tự nhiên, như thế nguy cơ rừng bị xâm hại còn tiềm ẩn, nguy cơ cháy rừng là rất có thể xảy ra, vì khai thác mật ong chỉ diễn ra trong mùa khô…