Thừa Thiên Huế: Tìm cách bảo tồn và phát triển kinh tế biển
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 13:59, 30/05/2019
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 128 km, trong đó hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68 km, rộng 1- 10 km, tổng diện tích mặt nước 216 km2. Đây là hệ đầm phá gần kín với 2 cửa Thuận An và Tư Hiền ăn thông với biển phía ngoài, gồm 3 đầm - phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú (gồm 3 đầm Thanh Lam hay còn gọi là đầm Sam Chuồn, đầm An Truyền và đầm Thủy Tú) và đầm Cầu Hai. Trên địa bàn tỉnh còn có 5 cửa biển, trong đó có 2 cảng biển bao gồm cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An.
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế biển và đầm phá; đề ra phương hướng phát triển đến năm 2020 là: Tiếp tục phát triển kinh tế biển và đầm phá, trọng tâm là phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đầu tư tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng du lịch - thủy sản - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái. Từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ những chủ trương của tỉnh, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển.
Để hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cấp kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá tại các địa phương ven biển tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa. Cụ thể trong năm 2018, tỉnh đã có 3 đợt cấp kinh phí tổng cộng hơn 76,5 tỷ đồng cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp 40 tàu cá; trong đó có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400 đến 800CV. Số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Thừa Thiên Huế đã tăng từ 265 chiếc lên 409 chiếc, trong đó tàu cá có công suất từ 400CV trở lên tăng từ 38 chiếc lên 200 chiếc và 52 chiếc tàu có công suất từ 800CV trở lên, nâng tổng số đội tàu cá của tỉnh lên hơn 2.000 chiếc.
Các địa phương vùng ven biển đã thành lập được 330 cơ sở chế biến, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô, tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống dân cư trong vùng. Nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ đúng hướng và kịp thời, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có những bước phát triển mạnh.
Tìm giải pháp để tiếp tục phát triển
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu trong kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bám sát và quán triệt các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và giải pháp của Trung ương để triển khai cụ thể vào thực tế của tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp phát triển kinh tế biển và ven biển; phát triển hạ tầng trọng điểm và không gian đô thị biển; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng an ninh trên biển.
Theo ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, hạn chế lớn nhất của tỉnh là hạ tầng khai thác nuôi trồng thủy sản biển, đầm phá và hạ tầng cảng biển; các khu neo đậu xuống cấp, đầu tư nhỏ giọt nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ. Khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá chưa tương xứng, hạ tầng cảng cá chưa đồng bộ nên đội tàu đánh bắt xa bờ phải bán sản phẩm ở tỉnh khác.
Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, tỉnh vẫn còn vướng trong việc bảo tồn và phát triển kinh tế biển. “Đề nghị tỉnh cần nghiên cứu cho phép phát triển ngành công nghiệp nhuộm vừa đảm bảo môi trường, vừa phục vụ cho khu công nghiệp bổ trợ, công nghiệp dệt may tại KCN Phong Điền. Mặt khác, hiện tại Phong Điền, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam chuyên chế biến thủy sản, nhưng nguồn nguyên liệu lại nhập từ địa phương khác. Chúng ta cần nghiên cứu mở rộng, phát triển diện tích, hình thức nuôi trồng thủy sản theo hướng đảm bảo điều kiện về tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đề nghị tỉnh sớm có quy hoạch đường ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng; quan tâm đầu tự hệ thống trục đường xã để đấu nối với các địa phương...”- ông Vui cho hay.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lần thứ 15 vừa diễn ra trong cuối tháng 4 vừa rồi, các đại biểu cho rằng, với lợi thế bờ biển dài 128 km và vùng đầm phá ven biển rộng lớn nên để khai thác hiệu quả và bền vững kinh tế biển cần phải xây dựng quy hoạch vùng ven biển, đầm phá nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác tài nguyên và tiềm năng, lợi thế của vùng đầm phá, ven biển; đồng thời, khai thác không gian mặt nước để phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và các dịch vụ mới.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư các khu neo đậu tàu thuyền, khơi thông, nạo vét luồng lạch bảo đảm cho tàu, thuyền hoạt động an toàn và phát triển mạnh dịch vụ phục vụ đánh bắt xa bờ tại cảng cá Thuận An.
Không ít ý kiến khác cho rằng, một số tiêu chí thành phần của chỉ số PCI tỉnh sụt giảm liên quan đến trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong chỉ đạo các nhiệm vụ cải cách hành chính. Một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác tham mưu chưa phát huy vai trò, trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ. Năng lực điều hành, trách nhiệm người đứng đầu một số nơi còn hạn chế. Giải pháp đặt ra là, phải quan tâm lựa chọn, bố trí những cán bộ có trách nhiệm, năng lực, đạo đức công vụ để bảo đảm giải quyết công việc được nhanh chóng, đúng việc và đúng pháp luật; rà soát các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian trả kết quả cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân; cần xử lý nghiêm khắc, quyết liệt những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp; chuyển đổi công tác đối với những cán bộ năng lực yếu, xử lý công việc chậm, ảnh hưởng đến giải quyết các hồ sơ, thủ tục...