Giá thịt lợn tăng nhẹ sau khi dịch được kiểm soát

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 09:28, 06/04/2019

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá thịt lợn đã tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Trong đó, tăng nhiều nhất là khu vực phía Nam.
2231 thit mat 3075 1539767406
Gía các mặt hàng thịt lợn đang tăng nhẹ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Zing.vn

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thị trường trong nước cho thấy, trong tháng 3/2019, giá mặt hàng thịt lợn giảm do tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố gây tâm lý lo ngại cho người dân nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm mạnh.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/4, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, giá cả mặt hàng thịt lợn đang có xu hướng “ấm” lên. Theo đó, giá thịt lợn đã tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg và tăng nhiều nhất là khu vực phía nam.

“Ngoại trừ 3 tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chưa tăng, còn lại các địa phương khác giá thịt lợn đã có xu hướng tăng lên. Chúng tôi dự đoán trong thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát thì giá thịt lợn sẽ còn tốt hơn nữa và tạo điều kiện cho người chăn nuôi”, bà Lê Việt Nga cho hay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.

Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh về nội dung Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/3/2019;

Xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời động vật mắc bệnh; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu vắc xin phòng chống bệnh và các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tăng cường thu mua dự trữ, cấp đông để hạn chế mức giảm giá thịt lợn quá sâu, đồng thời tránh tăng giá khi chưa tái đàn; chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh; đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng, định hướng công tác kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019.

Hoan nghênh việc sử dụng lá chuối gói thực phẩm

Liên quan đến việc dùng lá chuối để gói thực phẩm ở các siêu thị, bà Lê Việt Nga cho biết đây là việc đáng hoan nghênh nhằm bảo vệ môi trường sống và thực tế đây không phải là công việc mới mà từ năm 2007 Metro đã tiên phong sử dụng túi nylon thân thiện môi trường có khả năng phân hủy. Năm 2011 rất nhiều chuỗi siêu thị đã theo phong trào này như Lotte Mart, BigC, VinMart đều tích cực sử dụng bao bì, túi nylon thân thiện môi trường.

“Việc sử dụng bao bì này cũng là một phần trong Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Công Thương vì từ năm 2013 các cơ quan Nhà nước đã xác định việc thay thế từng bước sử dụng túi nylon có phân hủy bằng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường”, bà Nga thông tin thêm.

Cùng với đó, nhiều loại thực phẩm chức năng, dệt may thân thiện với môi trường, điện máy tiết kiệm năng lượng… cũng được các doanh nghiệp trên triển khai, góp phần tuyên truyền vận động người dân hướng tới sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.