Sơn La: Phấn đấu xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt trên 140 triệu USD
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 19:54, 20/02/2019
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Cho biết: Triển khai chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu nông sản. Tỉnh đã tập chung chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ hiệu quả các biện pháp khuyến khích hỗ trợ sản xuất, sơ chế, chế biến, cung ứng tiêu thụ sản xuất nông sản của tỉnh. Chúng tôi xác định vị trí quan trọng của thị trường, phát huy tác dụng tương hỗ giữa các thị trường tiêu thụ. Đồng thời, phát huy thế mạnh các vùng nguyên liệu rau, củ, quả, cây ăn quả trên diện tích canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Năm 2018, diện tích canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt hơn 113.000ha; sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 57.439 ha cây ăn quả (16.154 ha đã cho thu hoạch) gồm nhãn, xoài, bơ, hồng giòn, cam, bưởi, sơn tra... Một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây nhãn đạt 14.531 ha, sản lượng 70.197 tấn. Xoài đạt 29.119 tấn tập trung nhiều ở các huyện Mường La, Yên Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã. Cây thanh long là loại cây trồng mới được phát triển tập trung ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn. Các loại cây phục vụ cho chế biến cây công nghiệp như: Cà phê Arabica, chè, cao su, đường... qua khảo sát có điều kiện mở rộng sản xuất và dự báo có khả năng đẩy mạnh tiêu thụ ở nhiều thị trường.
Trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở, xưởng, nhà máy, chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 100.000 tấn/năm, trong đó 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu. Cụ thể, như sản xuất chè có 23 cơ sở sản lượng 9.500 tấn/năm, sản xuất đường 1 nhà máy sản lượng đạt 60.000 tấn/năm, sản xuất tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản Phú Yên – Chi nhánh Sơn La với công suất 300 tấn tinh bột/ngày, sản lượng 60.000 tấn/năm, sản xuất cà phê nhân có 7 cơ sở với công suất 30 tấn/ngày.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất, mặt hàng nông sản tham gia xuất khẩu đạt 16 mặt hàng vào thị trường 12 nước. Lần đầu tiên nông sản tỉnh Sơn La đã vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như BigC, Lotte, VinMart tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từng bước tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 115 triệu USD, vượt 43% so với kế hoạch đề ra. Tiếp tục duy trì, tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả, giá trị xuất khẩu vào 12 thị trường đã tiếp cận, phấu đấu mở rộng thị trường xuất khẩu sang 1 số nước như EU, Nga, NewZealand, Lào, CamPuChia...
Kế hoạch tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu năm 2019 phấn đấu đạt 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu nông sản ước đạt 135.317 tấn, tăng 1,47 lần, giá trị đạt 141,9 triệu USD, chiếm 94,6% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tập trung trồng mới 24.000 ha cây ăn quả; có 100.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp, rau các loại đủ điều kiện xuất khẩu, trong đó có 20.000 ha áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng mỗi huyện, mỗi sản phẩm nông sản có một doanh nghiệp, hợp tác xã thu gom chuyên nghiệp, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Củng cố và duy trì sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu với 9 sản phẩm đã đạt được. Tăng số mặt hàng tham gia xuất khẩu như Sơn tra, Bơ, Cá Tầm, thực phẩm nông nghiệp chế biến và các mặt hàng công nghiệp may mặc...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những giải pháp khắc phục những tồn tại về cây giống chưa đồng đều, vùng nguyên liệu phân tán; diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn còn thấp so với tổng diện tích; việc thu hái, sơ chế, đóng gói bao bì nhãn mác sản phẩm nông sản của các hợp tác xã, hộ gia đình còn hạn chế...
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã cảm ơn các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các doanh nghiệp đã giúp tỉnh Sơn La quảng bá, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Năm 2019, sản lượng nông sản ở tỉnh dự kiến sẽ rất lớn, vì vậy các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã cần quan tâm việc thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm đẹp và hấp dẫn, phù hợp để xuất khẩu. Các hộ gia đình cần tham gia các hợp tác xã để có sản phẩm tập trung đủ điều kiện phục vụ các đơn hàng lớn của các doanh nghiệp thu mua; tập trung hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh Sơn La sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ chính sách thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản theo quy định. Tập trung đôn đốc giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng thu hút các nhà máy chế biến nông sản. Hình thành tổ vận động các hộ gia đình chuyển đổi tập quán canh tác và thu mua nông sản phục vụ các nhà máy chế biến nông sản…