Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 13:14, 31/01/2019

(TN&MT) - Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thành phố Hà Nội đã tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động thương mại đối với các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng có nhu cầu lớn trong dịp Tết này.  
ảnh 1


Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Thực hiện Chỉ thị 16/CT-UBND, ngày 28/12/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn Thủ đô, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức liên quan tiến hành kiểm tra không để tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo an toàn, chất lượng.

Chủ động kiểm soát chặt chẽ hàng hóa không đảm bảo an toàn, hàng hóa không rõ nguồn gốc tại các hội chợ Xuân, hội chợ hàng Việt, điểm du lịch, khu danh lam, thắng cảnh trên địa bàn; kiểm soát hoạt động lưu thông hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình trạng khó khăn trong vận chuyển để tăng giá, thu lợi bất hợp pháp.

Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm đồng thời có giải pháp đảm bảo cân đối cung ứng hàng hóa trên địa bàn trong và sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi; Tiếp tục phối kết hợp với lực lượng chức năng Trung ương và các tỉnh thành, trong đó đặc biệt là các tỉnh biên giới nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn làm ăn phi pháp, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng xấu, cũng như tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, nhất là tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đắc Lộc cũng cho biết thêm, tình từ ngày 1/11/2018 đến ngày 18/1/2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý các hoạt động động sản xuất, buôn bán hàng giả với tổng số là 267 vụ, phạt hành chính 1.816 tỷ đồng. Đối với việc buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu là 267 vụ, phạt hành chính 1.097 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực chất lượng an toàn thực phẩm là 112 vụ, phạt hành chính 369.7 triệu đồng...