Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 17:54, 07/01/2019

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Đinh Văn Thu yêu cầu tất cả các địa phương trong tỉnh không chờ đợi, phải lên kế hoạch hành động cụ thể, thực thi các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019.

Năm 2018, kinh tế Quảng Nam duy trì ở mức tăng trưởng khá, chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp; trình độ công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; biến đổi khí hậu theo chiều hướng khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư.

Năm 2019, Quảng Nam chú trọng việc triển khai thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng bền vững (ảnh: Trường Hải)
Năm 2019, Quảng Nam chú trọng việc triển khai thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng bền vững. Ảnh: Trường Hải

Phấn đấu đạt 14 chỉ tiêu chủ yếu

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 được tỉnh Quảng Nam xác định là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; Thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội miền núi.

Theo đó, Quảng Nam phấn đấu đạt 14 chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 đã đề ra đó là: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7-7,5% so với năm 2018; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 30% GRDP; Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao năm 2019; Phấn đấu có thêm 13 xã nông thôn mới; Phấn đấu giảm trên 5.000 hộ nghèo; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; Số giường bệnh đạt 37 giường/vạn dân; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn dưới 11%; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,7%;  Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 93,8%; Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch 77%; Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom 90%; Hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ.

Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, tạo việc làm cho lao động nông thôn (ảnh: Đỗ Trưởng)
Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: TTXVN

Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các chỉ tiêu đề ra, Quảng Nam đã đưa ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu của năm 2019 được tỉnh xác định, trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Xây dựng kế hoạch và giải pháp phù hợp để phát triển bền vững kinh tế biển. Tập trung đẩy mạnh thu hút và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư, nhất là tại khu vực ven biển, các dự án vùng Đông Nam. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung xúc tiến, triển khai các nhóm dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng thuộc vùng Tây của tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế mở Chu lai. Phát triển mạnh ngành công nghiệp cơ khí lắp ráp ô tô; các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao thông qua lựa chọn, thu hút các dự án có quy mô lớn, thân thiện môi trường. Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu tất cả các địa phương không chờ đợi, phải lên kế hoạch hành động cụ thể, chủ động cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện nhiệm vụ. Quan trọng nhất là tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư, chính quyền địa phương, tăng cường kiểm soát trong việc đấu thầu, giải ngân, tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, siết chặt quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thiết lập kỷ cương thu chi ngân sách… Những kế hoạch này cũng chính là cam kết của chính quyền trước người dân, cộng đồng doanh nghiệp về động lực phát triển của Quảng Nam.