Liên Minh HTX Việt Nam: Xúc tiến xây dựng các mô hình HTX Nông nghiệp theo chuỗi
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:14, 12/12/2018
Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, số HTX gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng và đang trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng quy mô, hiệu quả và phát triển nông nghiệp bền vững.
Các HTX đã tham gia tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vai trò toàn diện trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: tốc độ tăng trưởng còn chậm, quy mô nhỏ bé, năng lực nội tại còn nhiều hạn chế, nhất là về năng lực quản trị, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra hiện nay.
Thực tế hiện nay cho thấy, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã (HTX) chưa thực sự tạo được động lực để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Việc các HTX tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều để phát triển HTX kiểu mới cùng với phát triển các chuỗi giá trị nông sản. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, chất lượng thấp và không đồng đều là rào cản lớn cho việc tiếp cận thị trường của các HTX nông nghiệp hiện nay.
Tại Hội thảo lần này đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và những kinh nghiệm từ thực tế đặt ra ở các địa phương khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, trong việc xúc tiến xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị trong thời gian tới.
Tại Quảng Nam, hiện có hơn 2.500 tổ hợp tác, 216 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, y tế... Riêng nông nghiệp, hiện có 180 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong 2 năm (2016 - 2017), tỉnh Quảng Nam đã chi 8,4 tỷ đồng hỗ trợ 42 HTX; giải ngân 40 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho 172 tổ hợp tác và HTX, hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho 20 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm GĐ, PGĐ tại các HTX theo diện thu hút.
Tuy nhiên, tình trạng chung hiện nay, các HTX Nông nghiệp tại Quảng Nam vẫn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết theo hệ thống, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, thiếu vốn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế.