Sơn La: Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 21:21, 12/11/2018
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chuyển đổi cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển cây ăn quả. Qua đó, năm 2018, Sơn La có tổng diện tích canh tác nông nghiệp đạt hơn 113.017 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn; trong đó, có 57.439 ha cây ăn quả (26.154 ha đã cho thu hoạch) gồm nhãn, xoài, bơ, hồng giòn, cam, bưởi, mận, sơn tra…, với sản lượng khoảng 256.240 tấn quả. Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 33 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 100.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó, 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu.
Đối với xuất khẩu năm 2018, tỉnh Sơn La có sản lượng quả ước đạt 17.500 tấn. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: Xoài 3.500 tấn (giá trị 1,75 triệu USD) sang thị trường Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đu Bai. Nhãn tươi đạt 5.035 tấn (giá trị ước đạt 11,42 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ… Chanh leo khoảng 1.700 tấn (giá trị đạt 1,938 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan.
Về nông sản chế biến và nông sản khác, năm 2018, tỉnh Sơn La có sản lượng xuất khẩu ước đạt 77.000 tấn, giá trị đạt 104,4 triệu USD, tăng 1,61 lần so với năm 2017. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Chè khô ước đạt 8.000 tấn (giá trị 16,5 triệu USD), sang thị trường Đài Loan, Pakistan, Apganistan, Nhật Bản, UAE, Trung Quốc. Cà phê nhân ước đạt 25.200 tấn (giá trị khoảng 60,48 triệu USD), sang thị trường EU, Hoa Kỳ, UAE, Ấn Độ…
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu được xác định là khâu đột phá. Do đó, năm 2018, tỉnh Sơn La có giá trị xuất khẩu ước đạt 115 triệu USD, trong đó nông sản chiếm 98,5%; sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đạt ba yêu cầu: được mùa, năng xuất cao; được giá, giá thu mua ổn định, cơ bản khắc phục hiện tượng ép giá; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng, đời sống người dân được nâng lên.
Năm 2019, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông sản theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, sản xuất gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ. Trong đó, tỉnh Sơn La xác định xuất khẩu là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản quan trọng, tạo tác động tương hỗ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các thị trường.
Triển khai kế hoạch trên, tỉnh Sơn La đã đề ra các mục tiêu, đó là xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu; tập trung phát triển mới khoảng 24.000 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 81.706 ha, trong đó có 10.000 ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản của địa phương có tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng; tăng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến, sơ chế như rau, cà phê… Phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2019 tăng 30% so với năm 2018, với giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Từ những mục tiêu này, tỉnh Sơn La phấn đấu tổng sản lượng xuất khẩu sản phẩm nông sản năm 2019 ước đạt 135.306 tấn, tăng 1,43 lần so với năm 2018; trong đó, sản lượng xuất khẩu sản phẩm quả đạt 21.000 tấn, tăng 20% so với năm 2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh khẳng định: Để đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký cam kết thực hiện mã vùng trồng năm 2018, đồng thời tiếp tục xây dựng cấp các mã vùng trồng mới năm 2019. Cùng với đó, địa phương sẽ quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững.
“Sơn La sẽ tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, để các nhà máy chế biến nông sản đã thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách địa phương” – ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.