Đà Nẵng: Hiệu quả kinh tế cao nhờ nông nghiệp đô thị
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 13:52, 18/11/2018
Phát triển các vùng chuyên canh rau, hoa
Nhận diện được thực tế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã định hướng, thực hiện giải pháp xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị, đồng thời vận động, hướng nông dân đi đến việc lựa chọn, chuyển hướng sang đầu tư, kinh doanh sản xuất những loại cây trồng vật nuôi vừa có thể đảm bảo được cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường, vừa ít cần diện tích đất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi đầu trong việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, quận Cẩm Lệ đã đầu tư phát triển các vùng chuyên canh các loại rau. 5 ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng cây thực phẩm rau các loại, nâng tổng diện tích cây thực phẩm rau các loại là 17 ha. Trong đó, diện tích rau chuyên canh đạt 14,5 ha, sản lượng bình quân gần 510 tấn/năm, doanh thu gần 6 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, các nông hộ trên địa bàn quận Cẩm Lệ cũng hướng đến trồng các loại hoa, cây kiểng nâng tổng diện tích phát triển hoa, cây cảnh trên địa bàn quận lên 12,5 ha, doanh thu bình quân 19 tỷ đồng/năm. Hội nông dân quận cũng đã xây dựng được 3 khu trưng bày và trao đổi sản phẩm sinh vật cảnh với trên 60 quầy giúp cho hơn 80 hộ nông dân có điểm trưng bày và trao đổi sản phẩm sinh vật cảnh ổn định, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ, tạo không gian xanh và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, mô hình sản xuất nấm, chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Mô hình sản xuất các loại nấm rơm, nấm bào ngư, linh chi không chỉ giải quyết việc làm đối với nông dân giải tỏa bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống cho các hộ dân. Các mô hình chăn nuôi phù hợp điều kiện đất đai, môi trường như chăn nuôi gà Đông Tảo, chăn nuôi gà chuyên trứng cũng đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Hộ ông Nguyễn Văn Liệu, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) phát triển mô hình chăn nuôi gà chuyên trứng với qui mô 5.000 con, đã ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi như sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, xây dựng hệ thống hầm biogas... giúp kiểm soát môi trường chuồng trại, dịch bệnh. Mỗi năm tổng doanh thu từ đàn gà của ông Liệu đạt gần 1 tỷ đồng/năm.
Những thắng lợi về phát triển nông nghiệp đô thị đã nông cao thu nhập cho các hộ nông dân, đồng thời cũng góp phần tăng cả về sản lượng lẫn chất lượng nông sản cho thành phố, giúp thành phố kiểm soát tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm và giảm được nguồn chi từ việc nhập nông sản của các tỉnh, thành khác.
Phát triển nông nghiệp đô thị một cách bền vững
Trong thời gian tới, để nông nghiệp đô thị phát triển bền vững, quận Cẩm Lệ sẽ tiếp tục tăng cường việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp rộng rãi.
Theo đó, hội nông dân quận đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị, tập trung phát triển trên lĩnh vực hoa cây cảnh, chuyên canh rau, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời gắn việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm.
Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ mới với nội dung chuyên sâu, sản xuất kinh doanh ở trình độ chuyên môn cao. Qua đó, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng khoa học công nghệ và có giá trị kinh tế cao nhằm giúp hội viên tiếp cận và chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, quận Cẩm Lệ sẽ xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất và hỗ trợ hội viên tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Đào tạo nguồn nhân lực với chủ thể là người nông dân đễ làm tốt công tác quản lý, điều hành sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ và hướng dẫn tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch sinh thái.