Phụ nữ Đà Nẵng giúp nhau làm giàu

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 09:39, 19/10/2018

(TN&MT) - Với tinh thần đổi mới, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ TP. Đà Nẵng đã phát huy tốt vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, vận động hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Năm 2018 các cấp hội đã hướng dẫn và tiếp nhận 253 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, rất nhiều ý tưởng đã mang lại thành công, cho ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao
Năm 2018 các cấp hội đã hướng dẫn và tiếp nhận 253 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, rất nhiều ý tưởng đã mang lại thành công, cho ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao

Hỗ trợ triệt để cho chị em làm giàu

Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, đến nay, Hội Phụ nữ Đà Nẵng đã có 75 hội viên khởi nghiệp đạt hiệu quả, vượt 150% chỉ tiêu đề ra và giúp giải quyết 237 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Năm 2018 các cấp hội đã hướng dẫn và tiếp nhận 253 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Có rất nhiều ý tưởng bước đầu đã mang lại thành công, cho ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như HTX sản xuất và nuôi trồng nấm An Hải Đông. Trong 2 năm 2017 và 2018, Hội Phụ nữ đã giải ngân hơn 48 tỷ đồng từ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ Phụ nữ phát triển cho 2.481 phụ nữ vay vốn. Các cấp hội cũng đã tín chấp cho hơn 11 ngàn hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền 346 tỷ 437 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP còn phối hợp Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP tổ chức tốt các họat động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Trong 2 năm qua, Hội đã phát triển mới 7 tổ/ nhóm, liên kết/dịch vụ với 68 thành viên, nâng số tổ/nhóm, tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã lên 175 mô hình. Trong số đó có nhiều mô hình nổi bật như: HTX Nấm linh chi; may thảm chùi chân và đệm lót ô tô; mô hình rau sạch; dịch vụ vệ sinh công nghiệp sạch và gọn... Góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động nữ với thu nhập từ 2 - 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm gây quỹ với nhiều mô hình được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia như: tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế; tặng vật tư con giống, trao tặng phương tiện sinh kế... với tổng số tiền lên đến 120 tỷ đồng. Hội còn vận động các chị em hỗ trợ thùng nhựa làm chế phẩm EM, sách kỹ thuật chăn nuôi, bàn ghế tủ, xe đẩy, máy may... với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Từ sự hỗ trợ của các cấp hội đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hội viên Phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay, kiến thức, kỹ thuật  để khởi sự kinh doanh, đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế bền vững...

Tổ liên kết sản xuất thú nhồi bông phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã mang lại thu nhập cho chị em từ 8-10 triệu đồng/người/tháng
Tổ liên kết sản xuất thú nhồi bông phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã mang lại thu nhập cho chị em từ 8-10 triệu đồng/người/tháng

Làm giàu từ nhiều mô hình kinh tế

Tổ liên kết (TLK) sản xuất thú nhồi bông phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn do chị Trần Thị Kim Thoa làm tổ trường, được thành lập từ tháng 9/2017 với 5 thành viên, hiện nay TLK đã tăng lên 11 người. Chị Thoa là người có đam mê làm giàu, từ năm 16 tuổi chị đã được học nghề thú nhồi bông và chị luôn quyết tâm mở rộng, phát triển nghề thú nhồi bông của mình vừa để thỏa đam mê vừa để giúp đỡ các chị em không có công ăn việc làm.

Qua các buổi sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ chị biết được một số hội viên phụ nữ có tay nghề may vá nhưng do có con nhỏ nên chưa đi làm được. Với kinh nghiệm sẵn có chị bắt đầu nhen nhóm ý tưởng tập hợp các chị để thành lập TLK sản xuất thú nhồi bông.

Ban đầu TLK  đã tập hợp các chị có tâm huyết (có chị có tay nghề, có kinh nghiệm có những chị chưa có tay nghề, chưa có kinh nghiệm) cùng góp vốn mua nguyên liệu về gia công, sản xuất. Thời gian đầu, do thiếu trang thiết bị, máy móc và kinh nghiệm trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên TLK chỉ sản xuất được 50-100 con thú nhồi bông loại nhỏ, lớn/ngày và chủ yếu cung cấp cho các quầy ở chợ. Sau khi được Hội LHPN phường Hòa Hải tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội để vay với số vốn 100 triệu đồng, TLK đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, mua thêm máy móc, nguyên liệu. Đến nay, mỗi ngày TLK sản xuất 300-400 con thú nhồi bông loại nhỏ, trên 200 con loại lớn. Doanh thu trung bình trên 10 triệu đồng/ngày, thu nhập cho chị em từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Hiện, TLK có thể giới thiệu sản phẩm và đưa hàng cho nhiều cửa hàng thú nhồi bông ở Đà Nẵng và vươn ra các tỉnh lân cận.

Cũng như TLK thú nhồi bông của chị Thoa, Nhóm làm sản phẩm du lịch của Hội LHPN phường Thọ Quang, quận Sơn Trà của chị Ngô Mỹ Hạnh được thành lập với mục đích giúp đỡ các phụ nữ nghèo, đơn thân không có việc làm có được công việc ổn định, lâu dài. Nhóm đã từng bước được thành lập với 10 thành viên có quyết định, quy chế hoạt động và được tập huấn bài bản. Nhóm chọn làm sản phẩm túi xách để phục vụ du lịch với các nguyên liệu từ tự nhiên không gây hại đến môi trường như sợi cói, lục bình...

Sau gần 1 năm lên ý tưởng và thành lập nhóm, đến nay, nhóm đã cho ra được các sản phẩm túi cói phối thổ cẩm rất đẹp và độc đáo với nhiều mẫu mã , kích thước đa dạng. Sản phẩm của nhóm đã được trưng bán tại nhiều điểm du lịch, các khách sạn, chợ đêm và có cả một cửa hàng dành riêng được Hội LHPN thành phố hỗ trợ.

Sản phẩm túi cói phối thổ cẩm của Hội LHPN phường Thọ Quang, quận Sơn Trà rất được du khách quan tâm
Sản phẩm túi cói phối thổ cẩm của Hội LHPN phường Thọ Quang, quận Sơn Trà rất được du khách quan tâm

Việc sản xuất sản phẩm túi xách này sẽ là giải pháp cho bài toán về sản phẩm văn hóa du lịch của Đà Nẵng, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh các mô hình liên kết để phát triển kinh tế, nhiều chị em phụ nữ còn có các mô hình kinh tế tự lập, đi lên từ hai bàn tay trắng. Điển hình như  chị Phan Thị Ba  (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) xuất thân từ gia đình thuần nông,  xác định dựa vào thế mạnh sản xuất nông nghiệp để khởi nghiệp. Sau nhiều lần được tập huấn, giới thiệu những mô hình kinh tế hay, hiệu quả của địa phương, chị Ba nhận thấy mô hình nuôi chim cút tuy vất vả nhưng có thể phát triển bền vững và phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.

Ban đầu, chị mua khoảng 500 con chim cút giống về nuôi thử. Đến nay, trại cút của chị đã có hơn 3.000 con. Với gần 2.000 con trong thời kỳ đẻ trứng, bình quân mỗi ngày chị bán ra thị trường hơn 1.000 quả trứng. Ước tính tổng số tiền thu về mỗi ngày khoảng 700.000 - 800.000 đồng, trừ chi phí, lãi gần 300.000 đồng/ngày.

Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị Ba còn dự định mở rộng trang trại nuôi cút và xây dựng lò ấp để chủ động nguồn con giống và kịp thời cung cấp sản phẩm chim thịt đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ có sự hỗ trợ về nguồn vốn cũng như kiến thức, động viên tinh thần... của Hội LHPN thành phố, các chị em phụ nữ ngày càng có nhiều ý tưởng khởi nghiệp hay, sáng tạo, và dần dà lan truyền tinh thần khởi nghiệp vượt lên khó khăn trên khắp địa bàn thành phố. Các chị đã thực sự khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế, bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.