Thừa Thiên- Huế: Dân làm giàu từ cây thanh trà
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 22:02, 10/08/2018
Theo tìm hiểu, cây thanh trà ở Huế thường được trồng tập trung những vùng phù sa, ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương... Nhưng có lẽ khi nhắc đến “Thanh trà Huế” người ta thường nhắc đến thanh trà Thủy Biều.
Phường Thủy Biều nằm cách trung tâm TP. Huế chỉ khoảng 5 km, ngược dòng sông Hương về phía tây. Vùng đất này được người dân cố đô Huế ví von là miệt vườn xứ Huế, với những ngôi nhà vườn thơ mộng nổi tiếng hoa thơm trái ngọt. Mặt khác, Thủy Biều như một bầu nước có lượng phù sa lớn nên rất thích hợp cho giống thanh trà. Có lẽ vì thế mà cái danh “thanh trà Thủy Biều” từ lâu đã nổi tiếng khắp đất Huế và cả xứ miền Trung.
Sử sách của nhà Nguyễn ghi chép rằng, cây thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều ngót cũng đã vài trăm năm. Có tài liệu thì nêu khá rõ: “Khoảng hơn 200 năm trước, cùng với những của ngon vật lạ người dân đem dâng lên vua như gạo An Cựu, nhãn Kim Long, hay chè Tuần... thì bưởi thanh trà Nguyệt Biều đã góp mặt như một đặc sản vườn nổi tiếng ở vùng đất kinh đô Phú Xuân”.
Cứ mỗi độ thu về, khi bóng trăng rằm trung thu tháng Tám tròn dần theo từng đêm thì những vườn thanh trà của phường Thủy Biều cũng bắt đầu chín mọng và tỏa hương thơm dìu dịu. Thanh trà có những đặc điểm khá dễ nhận biết. Trước hết trái không to và nặng như bưởi nơi khác, da màu vàng nắng chứ không xanh, từ trên cuống xuống tận cùng to dần lên rất hài hòa. Trái thanh trà tép không to, trắng ngà, dù có bổ đứt tép bưởi, nước vẫn không tứa ra (vì nước ít), vị ngọt thanh, độ ráo vừa phải, róc vỏ và không có dư vị đắng khi uống nước sau khi ăn...
Phường Thủy Biều dành gần 150 ha đất để trồng thanh trà, với khoảng hơn 1.000 hộ dân theo nghề, tập trung ở các thôn: Lương Quán, Trung Thượng, Đông Phước. Mỗi vụ thanh trà qua đi, người nông dân lại bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống không chỉ ổn định, con cái được học hành đàng hoàng mà nhiều hộ còn xây nhà, sắm xe sang.
Ông Tôn Thất Năng (phường Thủy Biều)- chủ một vườn thanh trà lâu năm phấn khởi cho hay, so với các cây trồng khác thì cây thanh trà ít tốn công mà thu nhập lại cao hơn. Gia đình ông có vườn khoảng 1.500 m2 với gần 100 gốc thanh trà, hàng năm cho thu nhập 130 - 150 triệu đồng...
“Thanh trà ở đây ngọt nước, có vị thơm khác với nơi khác. Vì đất đai nơi này màu mỡ, được bồi lấp phù sa của sông Hương nên không chỉ cây thanh trà mà bưởi cũng cho năng suất cao. Nhưng cũng phải biết cách chăm sóc, nếu không cây sẽ chết hoặc không ra quả. Ở đây cũng có nhiều nhà trồng thanh trà chỉ để... giải trí mà thôi”, ông Năng nói thêm.
Ông Hoàng Trọng Di- Giám đốc HTX Thanh trà Thủy Biều cho biết: “Thanh trà là cây trồng chủ lực ở địa phương có giá trị thu nhập cao nhất so với các cây như lúa, hoa màu... Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu. Bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ha, cá biệt có khi lên đến 400 triệu đồng/ha”.
Nhiều gia đình, du khách đã đến thăm và mua thanh trà tại chỗ. Lý do là họ muốn chọn được thanh trà Thủy Biều chính gốc, chất lượng và được dạo chơi trong nhưng khu vườn ngập tràn cây trái hiền hòa. Ngoài được ăn thử thoải mái, người mua còn cùng người thân chụp ảnh trong không gian yên bình, mát mẻ...
Vào năm 2007, Thanh trà Thủy Biều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, UBND phường Thủy Biều đã có nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện giúp người dân trồng giống cây đặc sản này, nhằm tăng sản lượng thu hoạch và nâng cao thu nhập. Trong đó tiêu biểu nhất là tổ chức Lễ hội Thanh trà.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Võ Đăng Thái- Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho hay, nhờ cây thanh trà nên đời sống bà con ở địa phương không chỉ ổn định mà nhiều hộ còn làm giàu.
“Phường đã và đang có kế hoạch lâu dài cho hai chương trình là xây dựng chỉ dẫn địa lý thanh trà và xây dựng tiêu chuẩn thanh trà theo chuẩn Vietgap. Hiện địa phương đang tiến hành cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp đang có nhằm để phát triển giống cây đặc sản này; hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón để tăng thu nhập. Đồng thời, tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà đến quần chúng nhân dân một cách sâu rộng hơn thông qua các lễ hội, kết hợp du lịch và xuất khẩu tại chỗ, tăng cường quảng bá ra các thị trường phía Bắc...”, ông Thái nói.
Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, ẩm thực từ thanh trà cũng đã khiến thực khách ngỡ ngàng. Có thể kể đến như rượu, nem thanh trà, mực khô thanh trà... Món ăn từ thanh trà được biết đến với vị bùi ngọt, dịu mát tốt cho sức khỏe nên được ưa chuộng.
Được biết, Thanh trà Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập “Đặc sản Thừa Thiên Huế - Việt Nam” đạt kỷ lục Châu Á và Việt Nam vào năm 2013.
Nếu có dịp ghé Huế vào dịp hè hàng năm, du khách có thể ngược lên Thủy Biều để tham quan những nhà vườn trồng thanh trà nổi tiếng, để được đắm mình trong cái không khí mát rượi thanh bình của một làng quê và được ngắm thỏa thích những cây thanh trà trĩu quả...
Lễ hội thanh trà Thủy Biều được tổ chức 2 năm 1 lần, thu hút khoảng 10.000 lượt khách. Lễ hỗi tiếp theo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018. Từ lễ hội, người dân, du khách biết đến đặc sản thanh trà Huế, biết đến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của phường Thủy Biều nhiều hơn. Năm 2017, doanh thu từ trái thanh trà Thủy Biều lên đến gần 3 tỷ đồng... |