Thừa Thiên Huế: Dân “khổ” vì mủ cao su rớt giá
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 13:48, 19/08/2018
Rớt giá thê thảm
Cây cao su từng được xem là “vàng trắng” ở huyện Nam Đông, một trong những loại cây đã giúp người dân miền núi nơi đây xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Thời gian gần đây, mủ cao su “rớt giá không phanh” đã khiến nhiều hộ dân rơi vào khó khăn, thiếu chi phí, động lực để đầu tư tiếp tục chăm sóc vườn cây chờ thời cơ tăng giá.
Ông Phan Gia Điền- Chủ tịch UBND xã Hương Hòa (huyện Nam Đông) cho hay, toàn xã có hơn 350 ha cao su. Cây cao su đã giúp xã thoát khỏi chương trình 135 với thu nhập bình quân từ cao su đạt 18 triệu đồng/người/năm. Trước năm 2015, nhiều hộ nghèo của xã đã tậu được nhà cửa, mua sắm xe máy và thậm chí có nhà còn mua ô tô đều nhờ vào cây cao su. Có thời điểm các gia đình buổi sáng chỉ cần ra vườn cạo mủ trong vòng 2 tiếng đồng hồ cũng kiếm vài ba triệu đồng...
“Nhưng hiện loại cây này khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng không mặn mà. Trên địa bàn xã có hơn 10 ha cao su bị người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng cây cam. Đây là thời điểm thích hợp để người dân khai thác mủ nhưng không ít vườn cao su ở huyện miền núi này lại vắng bóng người”- ông Điền nói.
Chị Hồ Thị Ơi (xã Hương Hòa) kể rằng, vợ chồng chị trước đi làm thuê khổ quá nên có vay tiền ngân hàng đầu tư trồng 2 ha cao su. Trước đây, khi cao su có giá, ngày nào vợ chồng chị cũng thuê thêm 2 người đi cạo mủ. Trừ toàn bộ chi phí, công cáng, tiền trả lãi thì mỗi tháng cũng kiếm được 5-7 triệu đồng.
“Nay giá cao su thấp quá, mủ tươi thu được bán cũng chưa đủ trả tiền công thuê người cạo, nói chi để trả các khoản tiền khác. Hơn 1 tháng nay, mình cũng bỏ mặc vườn cao su, rồi quay trở lại làm thuê kiếm cơm qua ngày”- chị Ơi thổ lộ.
Hương Phú là một trong những xã có số hộ dân trồng cao su lớn nhất huyện Nam Đông, với tổng diện tích khoảng 800 ha. Hơn chục năm về trước, nhiều hộ dân đã thế chấp sổ đỏ, nhà cửa, đất đai... để vay vốn hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng nhằm mở rộng diện tích trồng cao su. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, cao su liên tục rớt giá và hiện đang được thương lái thu mua chỉ với giá 9 ngàn đồng/kg khiến nhiều hộ gia đình điêu đứng. Theo thống kê, có khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã Hương Phú đang bị nợ nần “bủa vây” do cao su rớt giá.
Ông Hồ A Rực (thôn Ka Tư, xã Hương Phú) chia sẻ, do giá mủ cao su quá thấp nên nhiều hộ bỏ bê, không cần khai thác. “Nếu họ thuê 2-3 công lao động cạo mủ cũng phải trả gần 700 ngàn đồng rồi, trong khi đó tiền mủ cạo ra chỉ bán chừng 300 ngàn đồng, chưa kể tiền bơm thuốc, phân bón... Do giá bán quá thấp nên nhiều gia đình thua lỗ liên tục”- ông Rực lý giải.
Hàng ngàn hộ dân ở thị trấn Khe Tre và các xã Hương Sơn, Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Hòa của huyệnNam Đông cũng rơi vào cảnh khốn khó, bị ngân hàng đòi nợ khi mủ cao su bán ra không được giá.
“Với mức giá bán mủ cao su thấp như hiện nay khiến nhiều hộ dân thua lỗ. Chính quyền địa phương từng cử cán bộ xuống từng địa bàn, trực tiếp động viên bà con nông dân không nên nóng vội và tiếp tục chăm bón chờ đến thời điểm tăng giá. Đối với diện tích cao su đã già cỗi thì khuyến khích, nông dân chuyển sang trồng cây cam”- ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết.
Hạn chế chặt bỏ cao su
Trong khi đó, hàng ngàn hộ nông dân của huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà cũng lao đao khi cao su rớt giá thê thảm.
Ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, các xã Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong Xuân của huyện là vùng gò đồi, có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây cao su nên người dân ở đây đã khai hoang, trồng hơn 1.500ha và hiện đã có trên 90% diện tích cây cao su được khai thác lấy mủ. Nhờ đó đời sống kinh tế người dân trở nên khá giả. Nhưng thời gian gần đây, khi cao su giảm giá mạnh khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn.
“Xã có khoảng 1.000ha rừng thì trong đó có gần 200ha cao su được người dân đầu tư trồng lấy mủ. Những năm đầu khai thác, giá mủ cao lên đến vài chục ngàn đồng/kg khiến người dân rất phấn khởi. Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, giá mủ cao su biến động liên tục và có thời điểm chỉ còn 5-6 ngàn đồng/kg nên người dân không còn mặn mà với cây cao su, bởi mủ bán ra không đủ trả tiền nhân công, phân bón...”- ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trên toàn địa bàn tỉnh có khoảng 9.100 ha cao su, trong đó có 6.000ha đang bước vào độ khai thác lấy mủ.
“Trước tình trạng cao su có giá thấp, sau khi Bộ NN&PTNT chỉ đạo, Sở đã hướng dẫn, vận động người dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh tiếp tục, cố gắng chăm sóc vườn cao su; hạn chế tối đa việc chặt bỏ cao su để chuyển đổi sang mục đích khác. Hiện trên địa bàn tỉnh có một số công ty thu mua mũ cao su thô, rồi sau đó chế biến sơ và xuất qua Trung Quốc; chứ trên địa bàn tỉnh không có nhà máy chế biến nguyên liệu nào...”- ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Theo các thương lái thu mua cao su, giá cao su Việt Nam rớt thảm hại là do chịu ảnh hưởng lớn của thị trường thế giới, trong đó thị trường chính từ Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu nên các công ty thu mua cao su phải hạ giá thành…