Thủy sản Việt Nam nỗ lực thoát “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 16:13, 04/08/2018

(TN&MT) - Tình hình khai thác và xuất khẩu hải sản sang thị trường Châu Âu (EU) của Việt Nam đang còn nhiều bất cập. Việc chậm khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp khiến nguy cơ Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) giữ “Thẻ vàng”, nặng hơn nữa là phạt “Thẻ đỏ”.
Việc bị EC cảnh báo “Thẻ vàng” đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Việc bị EC cảnh báo “Thẻ vàng” đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Việt Nam


Đó làphát biểu của ông Nguyễn Xuân Cường tại  hội nghị trực tuyến hôm qua (3/8) với 28 tỉnh, thành khu vực duyên hải có đánh bắt, khai thác hải sản, về thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, bởi Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khai thác IUU. Công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC. Việc Việt Nam bị EC cảnh báo “Thẻ vàng” đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực xuất khẩu thủy sản.

Ngay sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung tổ chức thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Theo đó, các giải pháp để trước mắt là triển khai có hiệu quả các khuyến nghị để EC gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam, hướng tới mục tiêu lâu dài là chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản để phát triển một cách bền vững, trong đó có yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản của quốc tế.

Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng
Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng

Riêng tại Quảng Nam, một trong những địa phương có phương tiện khai thác, đánh bắt nhiều nhất cả nước, Sở NN&PTNT của tỉnh này đã tổ chức 6 đợt tập huấn, tuyền truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho 330 ngư dân ở các địa phương. Tổ công tác liên ngành tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu cá có công suất trên 90CV trước khi xuất bến. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tăng cường thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.

Đến nay, cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU trong Luật thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật; công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã được quan tâm thực hiện; nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao.

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn thực hiện chưa nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ngay sau thời điểm EC cảnh báo Thẻ vàng, đến nay vẫn để xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Ngoài ra còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ.