GEF 6: Tìm giải pháp để phát triển lúa gạo một cách bền vững

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 21:39, 25/06/2018

(TN&MT) - Hội thảo nhằm xây dựng một dự án phát triển lúa gạo bền vững trên hệ thống cảnh quan, gắn nhiều với vấn đề quan trọng như sức khỏe nông dân, thu nhập,...

 

(TN&MT) - Chiều 25/6, tại Cung hội nghị Quốc tế Aryana (TP. Đà Nẵng), trong khuôn khổ của kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6) đã diễn ra Hội thảo: “Hợp tác nhiều bên liên quan cho cảnh quan lúa gạo”.

Hội thảo do Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) và Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc chủ trì, với sự tham dự của nhiều đại biểu, khách mời là các cơ quan tổ chức khác nhau trên thế giới...
 

hoithao 1
Quang cảnh Hội thảo

Thông điệp của hội thảo là tìm cách trồng lúa gạo một cách bền vững. Chính phủ các nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế... đã đưa ra các tiêu chuẩn gạo bền vững để học tập, sản xuất lúa gạo; tạo ra nhiều nguồn thu nhập để tốt hơn cho người nông dân lại vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Chia sẻ tại hội thảo, ông David Johnson- Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cho rằng, hiện nay tất cả đang bị điều khiển bởi nhu cầu tiêu thụ của con người; phát triển đất trồng lúa bền vững phải gồm đóng góp từ công nghệ, quản lý kiến thức, nuôi trồng thông minh và phải giảm nhẹ khí nhà kính...

“Chúng ta phải phát triển bằng nông nghiệp không phá rừng để giảm tác hại đối với thiên nhiên, phát triển hệ thống thức ăn bền vững, giảm hóa chất để đáp ứng nhu cầu phát triển của cây trồng, đồng thời đất trồng lúa phải thật sự tốt...”, ông Johnson nói.
 

hoithao 2
Ông David Johnson chia sẻ ý kiến


Ông Nguyễn Hồng Sơn- Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu hết sức rực rỡ, tốc độ tăng trưởng sản lượng 3,7%/năm; trong khi diện tích đất canh tác không tăng... Tuy nhiên trong sản xuất lúa gạo tại Việt Nam còn có không ít dấu hiệu thiếu tính bền vững trong phát triển.

“Hiệu quả kinh tế cũng như lợi nhuận người dân được hưởng còn thấp so với các lĩnh vực sản xuất khác; hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên như đất, nước... chưa thực sự cao; mặt khác mức độ cải thiện chất lượng môi trường sản xuất, chất lượng hàng hóa sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới vẫn chưa nhiều...”, ông Sơn trình bày.

Từ đó, ông Sơn cho rằng để phát triển nông nghiệp bền vững, Bộ NN&PTNT đã có 2 đề án là tăng trưởng 20% gắn với giảm phát thải 20% khí nhà kính và tái cấu trúc nền sản xuất lúa gạo, với những mục tiêu cơ bản.

“Chúng ta có thể luân canh lúa với các cây trồng khác trên hệ sinh thái đất lúa một cách bền vững hoặc có thể chuyển dịch một số diện tích lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp để tăng thu nhập cho người dân... từ đó giảm bớt canh tác lúa nước là hệ thống canh tác giảm phát thải khí nhà kính nhiều nhất...”, ông Sơn nêu ý kiến.

Với những kiến thức và kinh nghiệm của các đại biểu tham gia GEF 6, hi vọng nền nông nghiệp lúa gạo trên thế giới sẽ có hướng đi đúng đắn, bền vững trong tương lai gần.