TP.HCM: Tìm hướng mở cho không gian ngầm

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 08:25, 18/06/2018

(TN&MT) - TP.HCM vốn được biết đến là trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước và cả khu vực. Hiện tại, đã có những đề xuất xung quanh việc quy hoạch đô thị ngầm tại TP.HCM, với kỳ vọng mô hình này sẽ là giải pháp cho một không gian sống với những thói quen sinh hoạt thực thụ trong tương lai của người dân đô thị. Vấn đề được đặt ra là không gian ngầm sẽ được hình thành ra sao và TP có thể tận dụng những nguồn lực nào để thực hiện?
Q1
Ảnh minh họa

Quy hoạch chồng quy hoạch   

Tại TP.HCM, chưa bao giờ yêu cầu phải có quy hoạch không gian ngầm lại cấp bách như hiện nay. Các nhà thầu lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, các chủ đầu tư xây dựng hệ thống metro và cả các doanh nghiệp muốn xây dựng bãi đậu xe ngầm… đều rất cần bản quy hoạch không gian ngầm. Bản quy hoạch ấy giúp họ biết sẽ phải làm gì và làm như thế nào để đầu tư hiệu quả hơn, thuận tiện hơn.

Không chỉ trong phạm vi TP.HCM mà ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc lập quy hoạch không gian ngầm. Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43 về việc lập quy hoạch ngầm, trong đó yêu cầu các TP lớn khi đã có quy hoạch chung được duyệt, thì phải làm quy hoạch không gian ngầm. Xa hơn nữa, cách nay chừng 20 năm, một tổ chức của Liên hiệp quốc đã hỗ trợ TP.HCM khoảng 200.000 USD để thí điểm lập quy hoạch công trình ngầm ở khu vực đường Trương Định - Lê Văn Sỹ - Lý Chính Thắng - Nguyễn Đình Chiểu. Thời gian ấy, các công trình ngầm chưa nhiều như hiện nay, nhưng việc lấy các số liệu để làm quy hoạch cũng rất khó. Đó là chưa kể một thực tế kéo dài cho đến nay là công trình ngầm thuộc rất nhiều lĩnh vực (điện, bưu điện, hệ thống cấp, thoát nước, metro…) đan xen nhau, mà mỗi công trình lại thuộc các cơ quan quản lý khác nhau. 

Nhận thức được tầm quan trọng của không gian ngầm, năm 2012, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu TP có diện tích 930ha, trong đó đã quy hoạch không gian ngầm chủ yếu là ở quận 1, bao gồm không gian ngầm dưới đường Lê Lợi; giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát TP (không gian bên trên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm). Không gian ngầm bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên 23/9 làm đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và Công trường Mê Linh làm bãi đậu xe và trung tâm mua sắm. Các bãi xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân thể thao Hoa Lư... cũng đã được quy hoạch.

Theo quy hoạch mới nhất, vì nguồn lực, kinh nghiệm có hạn nên việc quy hoạch không gian ngầm sẽ triển khai tại khu trung tâm hiện hữu 930ha, nhưng không phải phủ kín mà dọc theo lõi của tuyến metro, vì sử dụng không gian ngầm lớn, tập trung, kết nối với nhau; kế đó là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm 8 tuyến metro có hơn 73km đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72 nhà ga ngầm, trong đó nhà ga trung tâm Bến Thành được quy hoạch là một tổ hợp không gian ngầm lớn, giao thoa giữa 4 tuyến đường sắt đô thị và khu trung tâm thương mại ngầm.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay bãi xe công viên Lê Văn Tám (có tổng mức đầu tư 1.748 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, di dời cây xanh. Bãi xe công viên Tao Đàn (1.055 tỷ đồng) đang được chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2022. Bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng (740 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn thiện phương án hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, bãi đậu xe sân vận động Hoa Lư (3.419 tỷ đồng) đang được chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Q2
Ảnh minh họa

Loay hoay tìm vốn

Theo quy hoạch phát triển giao thông của TP, khu vực quận 1 và một phần các quận 3, 4 và Bình Thạnh có tổng diện tích bãi đậu xe 8,9ha, trong đó có 4 bãi đậu xe ngầm tập trung tại quận 1. Ðây là những dự án lớn khi đưa vào sử dụng được kỳ vọng giúp giải quyết đáng kể chỗ đậu xe đang thiếu trầm trọng tại khu vực trung tâm. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết mặc dù các bãi đậu xe ngầm đã được giao cho các chủ đầu tư từ lâu nhưng tiến độ thi công vẫn chậm, có dự án động thổ từ năm 2010 nhưng hiện vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Nguyên nhân chính khiến các dự án bãi đỗ xe ngầm vẫn “áng binh bất động” nhiều năm qua là do vướng mắc về chính sách, thủ tục, dẫn đến một số nhà đầu tư đã xin rút. Mặt khác, các dự án bãi đỗ xe ngầm được ngân hàng xếp vào loại đầu tư bất động sản, cho nên mức tín dụng rất hạn chế. Ngoài ra, hầm ngầm đỗ, giữ xe là một dạng dự án mới, chưa có tiền lệ, vì vậy rất khó xác định đơn giá thuê đất. Chưa kể các dự án này thường có tổng mức đầu tư lớn, trong khi mức lãi suất vay hiện nay vẫn còn cao, ảnh hưởng khả năng huy động vốn làm dự án. Hơn nữa, chi phí, giá thành để xây dựng bãi đậu xe ngầm có diện tích đất lớn là rất nan giải so với hiệu suất sử dụng, chi phí vận hành.

Các nhà đầu tư khác cho rằng, họ cần phải tính được khoản lợi nhuận dự kiến của mình, từ đó mới tính ra mức thuê đất hằng năm phải trả cho nhà nước. Ðể tính được các khoản nêu trên, phải căn cứ từ giá giữ, đậu xe. Mức này sẽ căn cứ vào Thông tư 02/2014/TT-BTC (ngày 2/1/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về phí và lệ phí). Theo thông tư này, phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HÐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng cho đến nay, các nhà đầu tư bãi đậu xe ngầm vẫn chờ TP.HCM có văn bản hướng dẫn để họ tính toán, đưa ra các phương án đầu tư cũng như có mức phí đậu, giữ xe trong các bãi xe ngầm.

Với tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, đến năm 2018, số dân sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM đã lên đến gần 14 triệu người; chưa kể một lưu lượng du khách. Trong khi TP hạn chế phát triển chiều cao công trình trong khu vực trung tâm; diện tích mặt đất khu vực trung tâm đã được sử dụng hết nhưng dân cư vẫn liên tục tăng dẫn đến tình trạng quá tải. Không gian mặt đất trở nên chật hẹp kéo theo những thách thức về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ngay tại khu vực trung tâm, không gian ngầm vốn là tài nguyên lớn lại chưa được quan tâm xây dựng đúng mức.

Các chuyên gia đô thị đề xuất đối với vùng lõi 930ha của TP, những dạng công trình ngầm TP.HCM có thể triển khai trước là công trình công cộng, thương mại dịch vụ ngầm, hệ thống đường sắt đô thị, hầm vượt sông, hầm đường bộ, bãi giữ xe ngầm, hành lang đi bộ ngầm đi kèm với không gian ngầm chung dành cho các công trình kỹ thuật ngầm như hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước và cả những công trình phục vụ an ninh quốc phòng. Tất cả các dạng công trình ngầm này đều phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, đảm bảo tính hiện đại trong định hướng phát triển đô thị và công trình ngầm, đảm bảo kết nối không gian công trình ngầm với các công trình trên mặt đất, tránh việc thiếu tính kết nối, “ngầm” một bên và “nổi” một bên.

KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm nhưng ước vọng xây dựng trung tâm thông tin GIS của TP vẫn chưa thực hiện được. Hiện rất cần những quy chế, chính sách quản lý thông tin dữ liệu. Thành ủy nên xác định đây là chương trình trọng điểm thứ 8 của TP. Cơ sở dữ liệu là nền tảng của nền tảng bởi không có thông tin thì không làm được gì cho chính xác.