Điện Biên: Làm gì để người dân góp đất trồng cao su không bị thiệt thòi?

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 13:20, 18/05/2018

(TN&MT) – Mới đây, nhiều diện tích cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã bắt đầu cho khai thác mủ, tín hiệu vui đã đến với người dân góp đất trồng cao su. Trong tương lai, mủ cao su được đưa ra thị trường thì người dân sẽ được chia một phần lợi nhuận. Nghĩa là, lúc này cần phải có người thứ ba đứng ra làm “trọng tài”, giám sát sản lượng thu hoạch mủ của các doanh nghiệp cũng như giá thành bán ra thị trường để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên có khoảng 5.000ha cây cao su; trong đó, hơn 3.700ha thuộc quyền quản lý của C.ty CP Cao su Điện Biên, hơn 1.200ha thuộc quản lý của C.ty CP Cao su Mường Nhé.  

Ngay từ khi bắt đầu phát triển cây cao su, tỉnh Điện Biên đã xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển. Trong đó, hỗ trợ đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) làm cơ sở để người dân ký kết hợp đồng góp đất chia sản phẩm với doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh Điện Biên đề ra một số chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

 

Để bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia góp đất trồng cao su, tỉnh Điện Biên ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về phát triển loại cây này tại tỉnh Điện Biên, thống nhất phương án phân chia sản phẩm... người dân được hưởng 10% giá trị sản phẩm từ mủ cao su. Nghĩa là, giá trị sản phẩm mủ cao su được chia cho người dân góp đất được tính bằng 10% của diện tích đất đã góp với công ty, nhân với năng suất bình quân của công ty và giá mủ trênthị trường.

 

Công nhân C.ty CP Cao su Mường Nhé mở miệng cạo mủ cao su
Công nhân C.ty CP Cao su Mường Nhé mở miệng cạo mủ cao su, tại Mường Nhé, đợt tháng 4/2018.

Việc mở miệng cạo mủ cao su trong 2 năm qua đã góp phần khích lệ quan trọng đối với những người dân Điện Biên góp đất trồng cao su, kỳ vọng nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong thời gian tới. Thế nhưng, việc phát triển cây cao su ở Điện Biên vẫn chưa thể đánh giá là thành công hay không khi hầu hết diện tích khai thác người dân chưa được phân chia giá trị sản phẩm. Cùng với đó, vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra giám sát sản lượng mủ mà doanh nghiệp thu được để làm cơ sở cho việc phân chia lợi tức với người dân.

 

Tại huyện Điện Biên, (tỉnh Điện Biên) có khoảng 1.200ha cây cao su. Tập trung chủ yếu ở các xa Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Pồn, Thanh Xương và Thanh An. Trong đó, diện tích giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý trên 1.077ha; diện tích giao cho các xã quản lý trên 149ha. Đến nay, gần 1.000ha cao su của người dân trên địa bàn huyện Điện Biên đã cho khai thác mủ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Nhiều diện tích cao su trên địa bàn huyện đã cho khai thác mủ từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, phía C.ty CP Cao su Điện Biên vẫn chưa tiến hành phân chia lợi tức cho người dân. Ngày 18/4, UBND huyện đã làm việc với lãnh đạo Công ty và được biết lý do chưa chia lợi nhuận cho người dân là do phía Tập đoàn Cao su Việt Nam chưa thông báo giá sàn bán mủ.
 

Nghĩa là, phía địa phương rất thiếu thông tin về thị trường, về những diễn biến sẽ xảy ra và khó có khả năng đối phó nếu câu chuyện đi theo chiều hướng xấu nhất có thể xảy ra. Dù vậy phía chính quyền vẫn phải sắm vai người phân xử như trong câu chuyện cổ tích “Bác gấu chia quà công bằng cho thỏ, sóc nâu và quạ đen”.


Trước vấn đề: Ai là người đứng ra giám sát việc thu hoạch và sản lượng mủ để làm căn cứ phân chia giá trị sản phẩm? Ông Ngô Xuân Chinh, thừa nhận: Phần lớn chúng tôi chỉ căn cứ vào báo cáo sản lượng của Công ty với Tập đoàn Cao su Việt Nam. Đây cũng là một vấn đề khó khăn trong công tác quản lý. Phần lớn các xã của huyện Điện Biên đã có cao su cho khai thác mủ chưa thành lập được các tổ giám sát sản lượng mủ. Bởi lẽ, mủ cao su phải để đông, việc tiến hành thu gom sản phẩm không thống nhất thời điểm, cùng với địa hình đi lại khó khăn. Chúng tôi tính toán sẽ  và sẽ thành lập tổ giám sát nhân dân để giám sát phía công ty khai thác mủ. Vì phần lớn công nhân cạo mủ cao su là người dân của các bản, các xã, họ sẽ được hưởng lợi từ việc thu hoạch mủ.

Nhiều diện tích cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đến tuổi khai thác. Ảnh: Công nhân cao su đo chu vi thân cây để tính thời gian đưa vào khai thác.
Nhiều diện tích cao su Điện Biên đã đến tuổi khai thác. Trong ảnh: Công nhân cao su đang đo đường kính thân cây để tính kỳ khai thác

 

Ông Chinh cũng nhận định: Vấn đề thất thu sản lượng cao su mặc dù rất khó xảy ra nhưng vẫn không thể loại trừ. Việc người dân góp đất trồng cao su có được hưởng lợi nhiều hay ít, ngoài diện tích góp đất còn phụ thuộc vào giá mủ và sản lượng khai thác. Tuy nhiên, người dân có thực tin tưởng vào cao su hay không khi giá mủ cao su vài năm trở lại đây còn nhiều bấp bênh, thị trường tiêu thụ vẫn có nhiều biến động.
 

Được biết, tại Mường Nhé sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Dự án phát triển cây Cao su, trên 1.221ha đất hoang hóa. Đến nay, 202,76ha rừng cao su trồng năm 2009 đã bắt đầu cho khai thác mủ. Năm 2018, là năm đầu tiên C.ty CP Cao su Mường Nhé đưa diện tích cây trồng từ năm 2009 vào khai thác mủ. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao C.ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên đạt sản lượng 120 tấn, năng suất 592kg/ha. Công ty đề ra mục tiêu sản lượng 125 tấn, năng suất 615kg/ha. Phía C.ty CP Cao su Mường Nhé cam kết sẽ chia sản phẩm mủ cao su sau khai thác cho người dân góp đất khoảng 1,5 triệu đồng/ha, nếu giá bán được cải thiện hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, câu chuyện người dân góp đất trồng cao su của Mường Nhé cũng có chung “kịch bản” với các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên; rất khó khăn trong việc giám sát sản lượng mủ và thông tin thị trường, phụ thuộc chủ yếu vào phía công ty cao su.

 

Dẫu vậy, người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn đang kỳ vọng một mùa khai thác cao su thực sự hiệu quả để tiếp thêm niềm tin về cây cao su có thể giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Thiết nghĩ, ngoài các chính sách hỗ trợ để phát triển cao su, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên phải là “cán cân” trong việc phân chia sản lượng mủ của các doanh nghiệp để giúp người dân góp đất trồng cao su không bị thiệt thòi.