Nậm Nhùn - Lai Châu: Phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 00:20, 07/03/2018

(TN&MT) - Tận dụng tiềm năng mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng và đánh bắt cá lòng hồ thủy điện đang là việc làm mà các hộ dân tái định cư(TĐC) huyện Nậm Nhùn thực hiện. Từ đó, người dân được biết thêm ngành nghề mới, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nơi TĐC.
Phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện tạo động lực cho kinh tế nông thôn Nậm Nhùn phát triển bền vững.
Phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện tạo động lực cho kinh tế nông thôn Nậm Nhùn phát triển bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, chia sẻ: Ổn định đời sống đồng bào TĐC được coi là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo huyện Nậm Nhùn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hỗ trợ cho người dân có ngành nghề ổn định, phát triển các nghề truyền thống, đưa cây, con giống, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp... Đặc biệt, triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Các hộ tham gia đã được nhận hỗ trợ kinh phí với mức 10 triệu đồng/lồng/hộ.

Để giúp đỡ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng, ngoài các chính sách hỗ trợ con giống, lồng nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo xã Mường Mô thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng. Tăng cường mối liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sócCùng với đó, tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu phát triển nuôi cá lồng được vay vốn 50 triệu đồng/hộ. Thực hiện cho thuê mặt nước để tránh tranh chấp vùng nuôi giữa các hộ dân...

       Phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện tạo động lực cho kinh tế nông thôn Nậm Nhùn phát triển bền vững.

Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn có 10 bản, 666 hộ dân, với đa số thuộc diện TĐC thủy điện Lai Châu. Mường Mô có lợi thế 1000ha mặt nước, nên nguồn thu nhập từ thủy sản lòng hồ phần nào giúp cuộc sống các gia đình nâng lên đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Năm 2017, thực hiện chương trình thí điểm nuôi cá lồng, huyện Nậm Nhùn đã hỗ trợ cho 21 hộ của xã Mường Mô tham gia.

Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Mô, cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến các hộ dân, nhất là người dân vùng TĐC nên ý thức tự lực trong phát triển kinh tế ở mỗi hộ được phát huy. Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân đã tự tìm tòi, nghiên cứu, vay vốn để phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã tự làm bè nuôi cá lồng, đầu tư thuyền nhỏ đánh bắt cá để có nguồn thu cho gia đình. Hiện nay, nhờ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, nên tổng số lồng cá trên địa bàn xã đã lên 69 lồng. Ngoài ra, còn có thêm 2 gia đình từ nơi khác đến thuê mặt nước để nuôi cá với 30 lồng cá. Các hộ này có kinh nghiệm nuôi cá lồng đã giúp đỡ người dân địa phương trong việc chăm sóc, phổ biến kiến thức phòng trừ bệnh cho cá.

Một lợi thế cho việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Mường Mô là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ nguồn thủy sản lòng hồ. Vì vậy các hộ nuôi cá không phải tốn thêm tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư. Hơn thế, việc không sử dụng thức ăn hỗn hợp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng.

Phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện tạo động lực cho kinh tế nông thôn Nậm Nhùn phát triển bền vững.

Gia đình anh Lò Văn Tranh, bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đang nuôi 8 lồng cá, với các loại: Lăng, Trắm... Qua tham khảo một số mô hình nuôi cá lồng, học hỏi được kinh nghiệm, tìm hiểu các cơ sở cung cấp cá giống. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, anh Tranh đã cùng 2 hộ dân khác đã mạnh dạn góp vốn để đầu tư được 8 lồng cá. Tuy mới nuôi được hơn 6 tháng, nhưng các lồng cá của gia đình anh Tranh phát triển tốt, không có dấu hiệu bệnh.

Anh Tranh chia sẻ: Số tiền đầu tư cho 8 lồng cá cũng phải mất hơn trăm triệu. Phần lớn thời gian tôi ở trên chòi ngay tại lồng cá để theo dõi sát. Tận dụng việc đánh bắt cá, tôm vừa làm thức ăn cho cá lồng, vừa bán ra thị trường nên cũng có nguồn thu cho gia đình. Hy vọng cá phát triển tốt, khoảng 2-3 năm sau khi cá được thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Phát triển nuôi cá lồng là một nghề mới đối với người dân địa phương, tận dụng diện tích mặt nước, phát huy tiềm năng lòng hồ thủy điện, tạo thu nhập cho người dân vùng TĐC ổn định cuộc sống. Hy vọng với những chính sách hỗ trợ hợp lý, việc nuôi cá lồng sẽ có động lực phát triển và nhân rộng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, góp phần đưa kinh tế nông thôn Nậm Nhùn thay đổi diện mạo.