Ngọt ngào đặc sản bưởi Tân Triều
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 22:25, 08/02/2018
Đặc sản xứ cù lao
Nhắc đến đặc sản cây trái ở nước ta, người dân sẽ nghĩ ngay tới bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), hay người dân miền Trung luôn tự hào với bưởi Phúc Trạch (tỉnh Hà Tĩnh). Ở vùng đất Nam bộ ngọt ngào phù sa cũng sản sinh giống bưởi Tân Triều, luôn là món đặc sản để cúng ông bà hay đãi đằng khách khứa khi ngày Tết đến.
Từ trung tâm TPHCM, xuôi về hướng Đồng Nai chừng 40km, du khách đi xe máy cặp theo sông Đồng Nai là sẽ đến được làng bưởi Tân Triều, thuộc ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Làng bưởi Tân Triều nằm trên dải cù lao nổi lên giữa dòng sông Đồng Nai mênh mang sóng nước. Được sông Đồng Nai ôm trọn vào lòng, bồi đắp phù sa nên rất dễ hiểu khi bưởi Tân Triều có vị ngon ngọt đậm đà, mà vùng khác không có được. Đi tìm những người xưa để hiểu thêm về vùng đất trứ danh này, chúng tôi gặp ông Năm Lợt, năm nay cũng đã bát thập, người sinh ra và lớn lên ở ấp Tân Triều. Giữa lúc tiết trời lành lạnh sắp chuyển sang xuân, lão nông thổ lộ: “Tân Triều vốn là một ngôi làng cổ xưa, có từ hơn 300 năm trước. Chính hệ thống sông rạch chằng chịt và tương đối biệt lập với chốn thị thành đã ưu đãi cho đất đai, thổ nhưỡng nơi đây thích hợp với các loại cây có múi. Giống bưởi Tân Triều xuất hiện và nổi danh hơn 100 năm qua ở vùng Đông Nam bộ. Gia đình tui cũng đã có 4 đời trồng bưởi. Song hương vị bưởi Tân Triều được người dân trong cả nước biết đến chừng 15 năm nay. Những năm qua, nhờ loại trái cây ngon ngọt này mà đời sống của người dân xứ cù lao đã khấm khá, nhiều hộ gia đình nông dân nuôi con ăn học thành tài”.
Điển hình trong phong trào sản xuất ở địa phương, đầu tiên phải kể đến hộ nông dân Ngô Văn Sơn. Làm chủ 2ha đất chuyên canh giống bưởi Tân Triều, nhờ áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng đất, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm vườn bưởi cũng cho gia đình anh tiền tỷ. Vợ chồng cô con gái lớn của anh Sơn đang theo nghiệp nông dân của ba, còn cậu con trai út đang học sư phạm tại tỉnh nhà. Đó là chưa kể vườn bưởi đang được các “đại gia” trong vùng ngã giá gần 50 tỷ đồng để mua lại canh tác.
Hay anh Nguyễn Thanh Sang, chủ DNTN Quê Hương (con trai của lão nông Năm Lợt), với sự quý trọng và đeo bám nghề trồng bưởi truyền thống của gia đình, nay anh đã trở thành một doanh nhân thành đạt tại xứ bưởi Tân Triều. Nặng lòng với trái bưởi, đến nay doanh nghiệp của anh đã đưa thị trường các sản phẩm rượu bưởi, nhang bưởi…, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận bản quyền thương hiệu bưởi Tân Triều cho DNTN Quê Hương vào năm 2006. “Tui lấy tên doanh nghiệp như vậy là nhằm thể hiện tình yêu quê nhà. Bưởi vùng này ngọt ngào, mát lành như chính lòng người cư dân ấp Vĩnh Hiệp. Ngoài những múi bưởi nguyên chất, tụi tui còn chế biến thành rượu bưởi, nhang bưởi. Ngày Tết cổ truyền, nhang bưởi làm ấm lòng nơi cõi tâm linh, nhắc nhở mọi người luôn nhớ về quê hương, cội nguồn, dù ở Nam bộ, hay miền Trung thân thương, hoặc là vùng đồng bằng Bắc bộ” – anh Sang thân tình chia sẻ.
Lúa, bắp cũng ra thị trường
Cho đến nay, do làm ăn uy tín, lại có lợi nhuận cao nên hầu hết các nhà vườn trồng bưởi tại Tân Triều đã áp dụng phương pháp trồng bưởi sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Tiếng lành đồn xa, từ giữa tháng Chạp đến nay, cánh thương lái ở khắp vùng miền đã tập kết tại vùng bưởi Tân Triều để tranh nhau mua hàng. Ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ vườn bưởi hơn 1ha tại ấp Vĩnh Hiệp cho hay, những ngày này đang là cao trào mùa bán bưởi. Do thời tiết cả năm 2017 diễn biến bất thường, nên năng suất của các nhà vườn giảm khá mạnh. Vì vậy bưởi Tân Triều đang “cháy” hàng. Hiện tại, một chục bưởi đường lá cam (12 trái) giá tại vườn là 1 triệu đồng, còn bưởi da xanh có giá gần 1,5 triệu đồng/chục…
Tại làng bưởi Tân Triều, hút khách nhất vẫn là hộ anh Ngô Văn Sơn. Theo lời anh Sơn, từ mấy tháng trước, tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) đã đặt cọc tiền để anh bỏ mối sỉ bưởi da xanh được tạo hình trái hồ lô có in chữ Tài - Lộc trên vỏ, hay là hình thỏi vàng. Với mỗi trái bưởi thành phẩm loại này, anh bán cho thương lái trên dưới 1,5 triệu đồng/trái, tùy lớn nhỏ. Tính đến ngày 22 tháng Chạp, 400 trái bưởi hình hồ lô, thỏi vàng đã được anh Sơn đưa hết ra thị trường, phục vụ Tết.
Với tình yêu quê hương, đất nước, nông dân Ngô Văn Sơn năm nay tiếp tục tạo hình những quả bưởi in hình các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Chưa hết, anh còn trồng các chậu bắp, chậu lúa để cung ứng cho thị trường hoa Tết ở Đồng Nai và TPHCM. Hãy nghe anh Sơn tâm sự: “Theo quan niệm của nông dân chúng tôi, đồng điệu với năm mới ấm no, sung túc là hình ảnh lúa thóc đầy bồ; đồng thời công việc tốt đẹp và chắc chắn như trái bắp. Từ thành thị đến vùng nông thôn, người người, nhà nhà chắc ai cũng mong rằng Tết đến thật yên vui, công việc hanh thông, phát triển, vì vậy tôi trồng lúa, bắp và cho vào chậu bán cho thương lái, phục vụ thị trường ngày Tết. Khi đến ngày ông Táo về trời, lúa trong chậu sẽ trổ bông và chín vàng, lúc đó tôi sẽ gắn nơ hồng lên bông lúa, chuyển cây vào chậu sứ để bán. Cùng thời điểm này, bắp trên cây bắt đầu nở to, râu bắp nhô lên màu hồng, mùa đỏ, gợi lên sự khởi sắc ngày đầu xuân, nên tôi cũng đưa hết ra thị trường. Chỉ với 100 ngàn đồng cho mỗi chậu lúa, bắp, nhà nông chúng tôi cũng thắng lợi lớn”.
Chiều đến, tại làng bưởi Tân Triều, các chủ vườn rất tranh thủ xuống trái để thương lái đưa hàng đi các tỉnh, thành. Nơi đây, người trồng bưởi thường đón Tết sớm nhất và cũng muộn nhất, kéo dài từ đầu tháng Chạp đến cận Tết, bởi mỗi năm chỉ có một vụ bưởi Tết, là mùa làm ăn cho cả năm. Chia tay bà con nông dân, chúng tôi thầm chúc vụ bưởi Tết này họ thắng lớn, lợi nhuận ngọt ngào, tròn trịa như chính trái bưởi Tân Triều vậy.