Ban Chỉ đạo 389 Thừa Thiên Huế: Xử phạt 3.968 vụ, truy thu thuế hơn 57 tỷ đồng
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 12:30, 25/12/2017
Để chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, tích cực trong công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong năm đã phát hiện và xử lý 3.968 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế hơn 57 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu ước tính hơn 18 tỷ đồng.
Theo đó, lĩnh vực chống sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu kiểm tra và xử lý 1.027 vụ, xử phạt tiền 2,5 tỷ đồng, tịch thu tang vật vi phạm có giá trị hơn 13 tỷ đồng; Lĩnh vực chống sản xuất, buôn bán hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã tiến hành kiểm tra 27 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 59,5 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm có giá trị 1,2 tỷ đồng; Lĩnh vực chống gian lận thương mại và các vi phạm khác đã tiến hành kiểm tra 2.914 vụ, xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế hơn 54 tỷ đồng, tịch thu tang vật vi phạm có giá trị 3,1 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ năm 2018, Ban chỉ đạo đã thảo luận thống nhất 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đồng thời thông qua kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và kế hoạch hoạt động trong thời gian cao điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của các thành viên Ban chỉ đạo cũng như của các cơ quan chuyên ngành trong công tác triển khai phòng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2017. Về nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động trong năm 2018, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị các đơn vị nòng cốt cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp nhằm cụ thể hóa và tạo sức mạnh tổng hợp để đấu tranh có hiệu quả trên lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh cần nghiên cứu phương pháp quản lý các loại hình phân phối hàng hóa mới, nhất là loại hình mua bán hàng hóa trên các trang mạng xã hội nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là mua bán qua hình thức này để trốn thuế cũng như không đảm bảo chất lượng hàng hóa và đảm bảo an toàn thực phẩm.