Thừa Thiên Huế: Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 14:45, 29/07/2019

(TN&MT) - Ngày 29/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.
Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế
Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng hơn 200 đại biểu là các lãnh đạo Bộ, Cục, Vụ, các tổ chức, chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế đã và đang có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 70.000 ha, diện tích rừng lớn gần 335.000 ha, đặc biệt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000ha - lớn nhất Đông Nam Á. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 7.400ha cùng với nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa biển, cửa sông giàu dinh dưỡng. Hơn 17.000 người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản...

Tuy nhiên, theo ông Thọ, nhìn chung lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển. Quy mô sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Công tác xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh. Chưa có doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp tỉnh...

“Hội nghị là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp, đồng thời là diễn đàn để giới thiệu những tiềm năng lợi thế, những mặt thuận lợi, khó khăn và thực trạng phát triển ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế trong thời gian qua nhằm kêu gọi các cấp các ngành các tổ chức và doanh nghiệp, các nhà đầu tư,các chuyên gia, nhà khoa học... cùng đồng hành và hiến kế cho tỉnh tìm ra những giải pháp thích hợp giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có những bước phát triển đột phá và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...”- ông Thọ nói.

Các đại biểu khảo sát mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ công nghệ vi sinh tại Huế
Các đại biểu khảo sát mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ công nghệ vi sinh tại Huế

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, so với 62 tỉnh thành còn lại thì Thừa Thiên Huế là địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu - đây là thách thức với toàn cầu. Điều này thấy rõ khi thời gian qua nhiệt độ tại nước ta tăng mạnh, luôn trên 40 độ C. Tôi hoan nghênh và ủng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nên hội nghị ý nghĩa và đúng thời điểm như thế này. Thừa Thiên Huế phải định hướng cho mình theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ nhưng không phải hữu cơ cực đoan, không nên quá máy móc. Kết tinh trong nông nghiệp phải là nông nghiệp đặc sản, tận dụng tối đa những ưu điểm về địa lý. Nền nông ngiệp phải hướng đến văn hóa du lịch, đây là vấn đề tích cực nhưng không cần phải vội vàng. Nền nông nghiệp cũng nên theo hướng 4 mùa lễ hội, gắn liền với kinh tế nông thôn. Trong đó, chủ thể hướng đến phải là người dân và dân phải thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất mà nên nông nghiệp mang lại...” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận để tìm cách phát triển ngành nông nghiệp cho Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung như “Thực trạng và định hướng phát triển cây ăn quả tại Thừa Thiên Huế”, “Thực trạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực theo Chương trình OCOP”, tham luận “Mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. 

Hội nghị đã trao quyết định đầu tư cho một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ký kết biên bản hợp tác chiến lược, biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra “Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp” với hơn 60 gian hàng, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu ngành nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khảo sát địa điểm các dự án kêu gọi đầu tư, mô hình nông nghiệp điển hình tại Thừa Thiên Huế.