Nuôi biển - vươn khơi bền vững
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 12:55, 11/04/2019
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), sản xuất thực phẩm cần tăng thêm 50% mới có thể nuôi sống người dân toàn cầu vào năm 2050. Hầu hết, đất đai phù hợp cho nông nghiệp đã được sử dụng để trồng trọt và việc tưới tiêu đã tạo áp lực lơn cho tài nguyên nước. Nguồn lợi thủy sản toàn cầu giảm đáng kể và thủy sản nuôi hiện được sử dụng phổ biến hơn trong bữa ăn hàng ngày.
Giải pháp cho vấn đề này, các chuyên gia quốc tế cho rằng, nuôi biển ngoài khơi đang là xu hướng chung của thế giới trong Chiến lược vươn khơi bền vững và xác định Châu Á, đặc biệt, khu vực Đông Nam Á (trong đó, có Việt Nam) là khu vực có điều kiện tự nhiên gần như hoàn hảo và có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển rất lớn. Tuy vậy, trên thực tế, khu vực này vẫn là những trang trại nuôi cá nhỏ mà không phải là các dự án có quy mô lớn phục vụ cả nội địa và xuất khẩu.
Đối với Việt Nam, việc suy giảm sản lượng đánh bắt tự nhiên, các khu nuôi trồng thủy hải sản ven bờ chỉ có thể trong quy mô nhỏ và dễ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt nuôi trồng, khai thác đã và đang đặt ra thách thức đối với sự phát triển ngành công nghiệp thủy sản, vốn mang lại nhiều lợi nhuận từ xuất khẩu. Để phát triển nghề cá bền vững, vươn khơi bám biển và đư nghề nuôi biển trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo Chiến lược Phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đang được lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương để tích cực hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt.
Với mục tiêu phát triển công nghiệp nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển ngành thủy sản và Chiến lược Biển Việt Nam.
Trong đó, đến năm 2020, xây dựng được và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp về giao/cho thuê mặt nước, đầu tư, thuế, tín dụng, bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Hình thành mới và tăng số doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển công nghiệp xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương có nhiều lợi thế.
Định hướng đến năm 2020, sản lượng nuôi biển phấn đấu đạt 750.000 tấn; trong đó: nhóm cá biển 200.000 tấn, nhóm nhuyễn thể 400.000 tấn, nhóm rong biển 150.000 tấn, nhóm giáp xác 60.000 tấn. Đưa giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Đến năm 2030, hình thành và phát triển các cộng đồng nuôi biển hiện đại, vững về kinh tế, có đời sống văn hóa tinh thần cao, có bản sắc độc đáo. Diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi vùng biển xa bờ 30.000 ha; diện tích nuôi gần bờ, ven đảo 20.000 ha; diện tích nuôi bãi triều là 250.000 ha; thể tích lồng nuôi đạt 9.000.000m3.
Sản lượng nuôi biển đạt 1.750.000 tấn, trong đó: Nhóm cá biển 600.000 tấn, nhóm rong biển 500.000 tấn khô, nhóm nhuyễn thể 500.000 tấn, nhóm giáp xác 100.000 tấn và các sản phẩm khác là 50.000 tấn. Giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt 5,0 -8,0 tỷ USD.
Đến năm 2050, đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta, đóng góp 12 - 15% GDP. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Với mục tiêu đến năm 2050, phấn đấu đạt sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Hiện nay, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đang nỗ lực xây dựng đề án giúp công nghiệp nuôi biển Việt Nam tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các tổ chức tài chính khác nhằm đạt được mục tiêu đạt sản lượng cá nuôi 600.000 tấn vào năm 2030, với các ưu đãi về mặt lãi suất và thời gian vay tương tự như trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Đồng thời, đã có rất nhiều địa phương có biển tham gia phát triển nghề nuôi biển vươn khơi như Quảng Ninh phát triển nghề nuôi hàu theo mô hình chuỗi liên kết, Khánh Hòa đang thực hiện khôi phục nghề nuôi lồng trên biển; Hà Tĩnh với triển vọng nghề nuôi hàu đại dương và Quảng Ngãi với sản phẩm nuôi hải sâm, ốc hương... Hy vọng, trong thời gian không xa, với việc thực hiện Chiến lược nuôi biển và đầu tư tốt cho công nghệ nuôi thủy hải sản đại dương sẽ giúp cho Việt Nam phát triển nghề cá bền vững, đóng góp lớn vào sự phát triển nền kinh tế biển xanh lam.