Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 16:58, 28/10/2018
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng biên tập Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020. Chiến lược biển đến năm 2020 xác định khai thác, chế biến dầu khí là một trong năm lĩnh vực ưu tiên phát triển.Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua những nội dung cơ bản Nghị quyết mới về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo tinh thần Nghị quyết, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác xếp thứ ba trong thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển.
Nghị quyết nêu rõ: Nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Tại buổi tọa đàm, đại biểu các bộ ngành, địa phương đánh giá cao vai trò của ngành Dầu khí trong phát triển kinh tế vĩ mô, kinh tế biển và an ninh năng lượng.
Theo TS. Ngô Thường San – Chủ tich Hội Dầu khí kể từ tháng 6/1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác đã ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Từ đó đến nay, dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP hàng năm. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam. Ngành dầu khí cũng được đánh giá là đơn vị đi đầu trong cách mạng 4.0, Hiện nay, khoa học công nghệ được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của ngành dầu khí.
Bà Đinh Thị Phương Lan – ĐB QH tỉnh Quảng Ngãi đồng quan điểm với các đại biểu tại Tọa đàm, bà Lan nhấn mạnh: Ngành Dầu khí có vai trò đặc biệt quan trọng không những thúc đẩy các đơn vị trong ngành phát triển mà còn góp phần thúc đẩy các ngành khác cũng như các địa phương liên quan trực tiếp, gián tiếp phát triển. Tuy nhiên theo bà Lan, ngành Dầu khí cần có chiến lược rõ nét hơn để giải quyết khó khăn nội tại của ngành để phát triển.
Xoay quanh những vấn đề về khung pháp lý, cơ chế nào cho ngành Dầu khí phát triển trong môi trường mới, có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều tựu trung cần cơ chế đặc thù cho ngành Dầu khí Việt Nam nói chung cũng như cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí mà TVHĐTV PVN Phạm văn Cảnh kiến nghị.
TV HĐTV PVN Phạm Xuân Cảnh nhấn mạnh rằng: Tập đoàn tiếp tục phát triển theo 5 lĩnh vực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trong đó xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại, PVN đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Bản thân Tập đoàn nhận thức việc Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược kinh tế biển sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí trong đó PVN giữ vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế biển.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao vai trò, đóng góp của ngành Dầu khí cho nền kinh tế đất nước từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nay tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn nhận, đánh giá khác về khai thác, thăm dò dầu khí cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên mong muốn qua buổi Tọa đàm này, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế sẽ có những ghi nhận, tham mưu đến Quốc hội, Chính phủ về việc sửa đổi các chính sách đối với các dự án của PVN cũng như sự cần thiết trong việc sửa đổi Luật Dầu khí cho phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn mới.