Phát triển các nguồn điện gió còn chậm

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 20:20, 07/06/2018

(TN&MT) - Hiện nay, cả nước mới có 7 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào vận hành, còn cách rất xa so với mục tiêu 800 MW vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị điện gió Việt Nam lần thứ nhất, do Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Đan mạch phối hợp cùng Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (Global Wind Energy Council) tổ chức ngày 7/6, tại Hà Nội. Đây được coi như diễn đàn trao đổi kinh nghiệm kinh nghiệm phát triển điện gió trong lĩnh vực cơ chế chính sách, công nghệ và kinh nghiệm khai thác, tích hợp điện gió vào lưới điện quốc gia… nhằm phát triển mạnh mẽ ngành điện gió của Việt Nam trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế thế giới, giai đoạn 2020 – 2030, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển về điện cao nhất thế giới. Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhu cầu bảo vệ môi trường và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, trong đó đặt mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030.

Theo quy hoạch, điện gió dự kiến sẽ đạt công suất 800 MW vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030. Tuy vậy, việc phát triển các nguồn điện gió vẫn còn rất chậm. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), hiện cả nước mới có 7 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào vận hành, còn cách xa so với mục tiêu đề ra. Các khó khăn hiện nay là về đất, về vốn, về đấu nối và giải tỏa công suất, hạn chế trong tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả về nguồn dự phòng hay cơ chế về chính sách. “Đây là những câu hỏi luôn đặt ra cho nhà quản lý trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển, và sắp tới là Quy hoạch phát triển điện Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 (quy hoạch điện 8)”, ông Thành cho biết.

Hội nghị đã diễn ra với 4 phiên thảo luận: Thực trạng chính sách năng lượng tái tạo và tầm quan trọng của cơ chế chính sách cho năng lượng tái tạo trên toàn cầu và tại Việt Nam; Bàn tròn ngành công nghiệp; Tích hợp điện gió và lưới điện Việt Nam; Điện gần bờ và ngoài khơi tại Việt Nam. Tại đây, đại diện các nhà quản lý cả trung ương và địa phương, các đơn vị phát triển dự án, nhà sản xuất và tổ chức tài chính, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng trong và ngoài nước đã trao đổi, thảo luận về các kinh nghiệm trong phát triển công nghệ mới và hiệu quả, kinh nghiệm khai thác các tiềm năng năng lượng gió, kinh nghiệm tích hợp các nguồn điện NLTT trong hệ thống điện…  

Theo khuyến nghị của các công ty phát triển điện gió của Đức và Đan Mạch, Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện (PPA) để đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức tài chính. Đặc điểm của điện gió là chi phí dự án phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu, còn chi phí vận hành và bảo trì trong suốt vòng đời tương đối nhỏ. Việc tinh chỉnh PPA sẽ giúp giảm thiểu rủi ro về vốn và chi phí vốn, tạo sức hấp dẫn trong đầu tư của điện gió hơn nữa.

Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án theo hướng rõ ràng, minh bạch và có thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, với các dự báo về tốc độ tăng trưởng vượt trội của ngành điện, Nhà nước cần có quy hoạch và đầu tư để bổ sung thành công nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vào hệ thống.

Thời gian tới, Việt Nam cần thành lập Hiệp Hội điện gió quốc gia, với vai trò góp phần giúp Chính phủ hỗ trợ ngành, thúc đẩy đối thoại trực tiếp trong mô hình hợp tác công – tư, tạo cơ sở hợp tác phù hợp với năng lực của các bên. Hiệp hội có thể giúp chính phủ trao đổi một cách hiệu quả với ngành, đồng thời là đàu mối để ngành tương tác với Chính phủ. Hiệp hội cũng có thể góp phần phát triển ngành thông qua các hội nghị, hội thảo và các chương trình giáo dục đào tạo trong ngành. Đại diện Hiệp hội điện gió toàn cầu khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện trợ giúp  để ngành điện gió VIệt Nam phát triển hơn nữa.