Quảng Nam: Thu hút FDI chưa tương xứng với tiềm năng

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 08:49, 09/04/2018

(TN&MT) - Theo Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Nam vừa diễn ra, trong quý I/2018, Quảng Nam đã cấp mới cho 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 12,4 triệu USD. Tuy nhiên, việc thu hút FDI tại Quảng Nam cho đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của địa phương.
Nguồn thu ngân sách của Quảng Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào ô tô Trường Hải
Nguồn thu ngân sách của Quảng Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào ô tô Trường Hải

Quảng Nam hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, nhiều DN quy mô quốc gia và khu vực đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc cấp mới cho 5 dự án FDI trong Quý I/2018 đã nâng tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Quảng Nam là 153 dự án, nâng số vốn đăng ký lên 5,58 tỷ USD.

Trong số hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp tại Quảng Nam, Hàn Quốc là quốc gia có số dự án nhiều nhất với 31 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 250 triệu USD, có 20 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án còn lại đang triển khai xây dựng.

Ngoài ra, cũng trong quý I/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 954 tỷ đồng. Đồng thời có 278 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên cũng đã có 74 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 27 doanh nghiệp phải giải thể, 173 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động. So với cùng kỳ năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 34 doanh nghiệp, nhưng nhìn chung tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa bền vững, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cao hơn so với năm trước (tăng 18 doanh nghiệp giải thể, tăng 42 doanh nghiệp bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, tăng 33 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động).

Với lợi thế sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới, Quảng Nam cũng hoàn toàn có tiềm năng thu hút được FDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch - khách sạn
Với lợi thế sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới, Quảng Nam cũng hoàn toàn có tiềm năng thu hút được FDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch - khách sạn

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Nam quý I/2018, ông Nguyễn Hoàng Thanh- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn liên quan vẫn chưa được xây dựng, nên mặc dù các cấp, ngành và địa phương đã tập trung xây dựng phương án hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng đến nay tình hình vẫn còn khó khăn.

Nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý cho rằng: Quảng Nam hiện có cơ hội rất lớn trong việc phát triển kinh tế công nghiệp tại các khu công nghiệp khi tại tỉnh đã có cơ sở hạ tầng, cảng hàng không, cảng biển cơ bản đáp ứng được nhu cầu, bên cạnh giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Những yếu tố này rất thích hợp để thu hút FDI đầu tư vào các ngành kinh tế mà tỉnh có nhiều lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ (cơ khí chế tạo, ô tô, điện - điện tử…); công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, nông, lâm, thuỷ sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản… Ngoài ra, với lợi thế di sản, cảnh đẹp, Quảng Nam cũng hoàn toàn có tiềm năng thu hút được FDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch - khách sạn.

Để thu hút được đầu tư, tỉnh Quảng Nam nên thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư. Phải xác định, hạ tầng đi trước một bước, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không. Và đặc biệt chú trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.  

Nhưng truớc khi nghĩ đến việc thu hút thêm vốn FDI, Quảng Nam cần xác định rằng việc thu hút FDI chỉ là một trong số những hoạt động, mục tiêu hướng tới để tỉnh có thể tăng trưởng bền vững. Cần xác định rõ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của địa phương để kêu gọi nguồn FDI phù hợp, có chất lượng và không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Không nôn nóng thu hút nhiều FDI mà đưa ra quá nhiều chính sách ưu đãi, khiến FDI trở thành liều thuốc bổ nuôi con bệnh thành tích - Nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý nói.