TP.HCM: Bức bách nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 22:06, 16/03/2018
(TN&MT) - Trong năm 2018, TP.HCM sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư những công trình giao thông trọng điểm, tiến tới giảm ùn tắc giao thông, nhất là các cửa ngõ vào trung tâm TP. Bài toán đặt ra là, nguồn vốn lên đến hàng tỷ USD sẽ được huy động như thế nào để phân bổ cùng lúc trên nhiều “mặt trận”?
Tồn tại nhiều điểm ùn tắc
Đầu năm 2017, cơ quan chức năng TP.HCM cho hay trong năm sẽ đầu tư đến gần 40.000 tỷ đồng thực hiện 80 dự án giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Chính vì vậy, TP đã biến thành một công trường với những lô cốt, rào chắn, khiến tình trạng ách tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng và lan rộng ra nhiều điểm.
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại, TP có 35 điểm ùn tắc giao thông chưa được giải quyết. Tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của TP, các trục ra vào các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông. Cụ thể, quanh năm suốt tháng, vào những lúc cao điểm trong ngày, nhiều tuyến đường quanh khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, các tuyến đường xuyên tâm ở hướng Đông và Tây TP như xa lộ Hà Nội, đại lộ Cộng Hòa…, tình trạng kẹt xe diễn ra cực kỳ nghiêm trọng, làm trễ nãi công việc của người đi đường. Hay vào những dịp lễ, tết, từ TP.HCM lưu thông về miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ, người dân vô cùng ngán ngẩm vì xe lưu thông di chuyển với tốc độ “rùa bò”.
Phía Sở GT-VT TP.HCM cho rằng, nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, các công trình cải tạo hạ tầng giao thông, thoát nước thi công rào chắn thu hẹp mặt đường... Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do mật độ giao thông đông, phương tiện lưu thông tập trung đông vào giờ cao điểm, diện tích mặt đường hẹp nên tình trạng phương tiện ùn ứ, di chuyển chậm, nếu xảy ra sự cố không giải quyết kịp thời cũng gây tình trạng ùn ứ.
Nhằm thực hiện một trong 7 chương trình đột phá của TP, năm nay, Sở GT-VT TP.HCM cam kết đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM cho biết, sở sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm xóa các điểm ùn tắc giao thông; chỉ đạo rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, kiến nghị chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; tăng cường kết nối giao thông vùng. Đặc biệt là cập nhật, điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM theo Quyết định số 568 ban hành ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thi công nhiều công trình trọng điểm
Trong khí thế của những tháng đầu năm mới, lãnh đạo Sở GT-VT TP.HCM cho hay từ nay đến cuối năm, nhiều công trình giao thông sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng các gói thầu thuộc nút giao thông Mỹ Thủy như cầu Kỳ Hà 3, xây dựng cầu vượt trên đường Vành đai 2 và hầm chui rẽ trái Vành đai 2 đi cảng Cát Lái (quận 2), với tổng mức đầu tư gần 840 tỷ đồng. Dự án này đã được TP.HCM đầu tư từ năm 2016. Đây là dự án cấp bách, sau khi hoàn thành sẽ “cứu” cho khu vực cảng Cát Lái và các tuyến đường lân cận như Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ thoát cảnh kẹt xe, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, bởi mỗi ngày cảng có 18.000 lượt xe tải, xe container ra vào.
Bên cạnh đó, trong năm nay, TP sẽ triển khai đầu tư nâng cấp - mở rộng một số tuyến đường như Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Nguyễn Xiển (quận 9), Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Nguyễn Tất Thành (quận 4) hay con đường Đào Trí (quận 7), chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Theo ghi nhận của báo Tài nguyên & Môi trường online, những con đường này thời gian qua tập trung một lượng lớn các dự án chung cư, khiến tình hình lưu thông qua đây căng cứng vì dân cư cực kỳ đông đúc. Tiếp đó là dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), tổng mức đầu tư gần 412 tỷ đồng. Dự án này cũng đóng góp vai trò quan trọng, tạo điều kiện kết nối hệ thống cảng nội địa của TP với cảng nước sâu Soài Rạp, thông qua các trục đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ... (thuộc khu vực Nam TP.HCM).
Ngoài ra, TP.HCM cũng vừa có chủ trương đầu tư dự án đường D1 - kết nối Trường Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam (quận 7), với tổng vốn đầu tư gần 290 tỷ đồng. Một số dự án khác cũng được đề xuất đầu tư như cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (quận Tân Bình); xây dựng tuyến đường ven rạch Lăng (đoạn từ khu tái định cư đến đường Chu Văn An, qua Học viện Cán bộ TP.HCM, thuộc quận Bình Thạnh); xây dựng đường chui dưới cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức); xây cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt (quận 5)...
Đáng chú ý, hiện TP.HCM đang gấp rút triển khai thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km. Dự án này được thực hiện đúng tiến độ, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho TP.HCM và cả nước. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Sở GT-VT đang chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, ngay trong quý 1/2018, TP sẽ ưu tiên đầu tư các dự án thành phần của đường nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 50 kết nối TP.HCM với tỉnh Long An..., đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến xe liên tỉnh miền Đông, miền Tây mới.
Vốn huy động từ đâu?
Có thể khẳng định, công trình giao thông quan trọng nhất của TP trong năm 2018 là Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ấy vậy mà từ năm ngoái đến năm nay, dự án này đang tắc tị. Thông tin báo Tài nguyên & Môi trường online có được, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có văn bản khẩn đề nghị TP tiếp tục tạm ứng vốn trong năm 2018 khoảng 1.000 tỷ đồng cho Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để thanh toán cho các nhà thầu. Được biết, vào cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, thế nhưng Dự án tuyến metro số 1 đã không được bố trí vốn. Lý do mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là do Quốc hội chưa có ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định và chưa xác định giá trị vay lại nguồn vốn ODA, dẫn đến chưa có cơ sở xác định phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư.
Mới đây, Bộ GT-VT và UBND TP.HCM đã rà soát và trình lên Thủ tướng Chính phủ dự án tuyến metro số 1 điều chỉnh với tổng mức đầu tư từ 1,3 tỷ USD lên 2,4 tỷ USD. Nếu tổng mức đầu tư điều chỉnh trên được kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới thông qua thì nguồn vốn cho tuyến metro số 1 sẽ được khai thông. Đây là lần thứ 4, tuyến metro số 1 phải cầu cứu tạm ứng vốn từ ngân sách TP để trả cho các nhà thầu thi công, mỗi lần từ 600 đến gần 1.700 tỷ đồng. Theo ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban quản lý tuyến metro số 1 (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM), đến nay tổng tiến độ các gói thầu của tuyến metro số 1 đã đạt hơn 50%, có gói đạt 65% - 75%. Theo kế hoạch, đến năm 2020 toàn tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, với những công trình hạ tầng về giao thông, đô thị đã và đang được triển khai tại TP.HCM cho thấy cần có tầm nhìn xa và rộng hơn rồi mới tính toán đến nguồn lực. Lấy trường hợp dự án tuyến metro số 1 làm ví dụ. Dự án này đã bị đội vốn rất lớn so với dự trù ban đầu, nhưng giả sử các nhà hoạch định ngay từ khi lập dự án đã tính khả năng kết nối tuyến metro số 1 với những địa phương khác như Đồng Nai hay Bình Dương thì chắc chắn nguồn lực về tài chính sẽ được tính toán một cách đầy đủ hơn, từ đó công tác thu hút vốn tài trợ cũng sẽ khác. Hiện TP.HCM đang bị vướng nhiều công trình làm theo kiểu ‘liệu cơm gắp mắm’ như vừa nêu. Để bỏ đi tư duy đầu tư kiểu cũ này, đòi hỏi cả đội ngũ tham mưu lẫn người lãnh đạo phải đủ bản lĩnh, có tầm nhìn, định hướng lâu dài thì mới có các sáng kiến cho sự phát triển của TP.
Trở lại với việc ngành GT-VT TP sẽ đầu tư hàng loạt các công trình trọng điểm trong năm nay, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông triền miền trên địa bàn TP. Ông Bùi Xuân Cường cho hay, trên cơ sở Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, chắc chắn sẽ có thêm nguồn kinh phí từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do TP làm chủ sở hữu, hoặc trích tỷ lệ 50% từ nguồn xử phạt vi phạm giao thông, nguồn phí và lệ phí… Từ các nguồn này, TP sẽ ưu tiên đầu tư công trình cấp bách và các dự án nằm trong chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông.
Để thực hiện được các dự án trên, Sở GT-VT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung liên quan trong Nghị quyết số 54 của Quốc hội và nghị quyết của HĐND TP.HCM, ban hành quy trình về quản lý đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các nguồn trên, TP.HCM ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, kêu gọi đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm theo hình thức PPP. Sở GT-VT cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo 24 quận - huyện và các đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án công trình giao thông; ban hành quy định thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô dự án, quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong trường hợp chậm giải phóng mặt bằng, chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chính.
Trong bối cảnh TP.HCM được Quốc hội phê duyệt Nghị quyết 54 về một số cơ chế đặc thù cùng với việc tiếp tục triển khai các dự án thuộc 7 chương trình đột phá thì TP còn phải đầu tư thêm hàng chục công trình lớn khác. Chẳng hạn về giao thông, sẽ có thêm 5 - 6 tuyến metro nữa, đường vành đai 2, vành đai 3, đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ…, với số vốn cần thực hiện lên đến hàng tỷ USD. Vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước phải tính đến bước xa hơn. Trong đó, các dự án hạ tầng đô thị cần mang tính kết nối cả vùng, có tính đồng bộ để kết nối và phát huy hiệu quả của các dự án, hạn chế việc đầu tư riêng lẻ từng chặng...