Thực trạng mạng lưới điện tại tỉnh Điện Biên - Bài 1: Kiến nghị Bộ Công Thương, EVN sớm đầu tư xây dựng đường dây 110 KV

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 09:40, 07/03/2018

(TN&MT) - Trước những khó khăn về mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm...
(TN&MT) - Trước những khó khăn về mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm đầu tư xây dựng các TBA 110 KV và lưới điện truyền tải đã được phê duyệt, trong đó có tuyến đường dây 110 KV Điện Biên 2 - Trạm 110 KV Điện Biên Đông dài 28 km...

Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn cấp thiết về phát triển nguồn và lưới điện truyền tải phục vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Điện Biên mới đây đã có Văn bản số 2919/UBND-KT gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc đề nghị đầu tư xây dựng trạm biến áp (TBA) và lưới điện truyền tải theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên trong giai đoạn đến năm 2020.
Fullscreen capture 07032018 70557 AM
UBND tỉnh Điện Biên có Văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam sớm xây dựng mạng lưới điện 110 KV cho tỉnh để đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế

Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên cho biết việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng thủy điện trên địa bản tỉnh được đánh giá là có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn cấp thiết về phát triển nguồn và lưới điện Bộ Công Thương đã phê duyệt phát triển điện lực tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 KV trên địa bản tỉnh.

Theo UBND tỉnh Điện Biên, hiện nay tỉnh Điện Biên là tỉnh duy nhất trên toàn quốc chưa có liên kết mạch vòng lưới điện 110KV, mới chỉ có 2 trạm 110 KV/10 huyện, thành phố (không kể trạm biến áp của khách hàng); lưới điện trung áp chủ yếu là phát triển lưới điện 35 KV, nhiều tuyến đường dây dài trên 450 km; chiều dài cấp điện của các lộ đường dây tương đối lớn.

Do vậy, UBND tỉnh Điện Biên e ngại rằng khi xảy ra sự cố trên trục chính của đường dây thường làm mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển chung của địa phương, nhất là cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới phía Tây thuộc tỉnh Điện Biên.

Bên cạnh đó, lưới điện 22 KV chủ yếu ở thành phố Điện Biên Phủ và một số thị xã lân cận thành phố của huyện Điện Biên, thị trấn Tuần Giáo, quy mô lưới điện 22 KV nhỏ. Ngoài ra, chênh lệch công suất sử dụng điện giữa các thời điểm trong ngày rất nhiều, biểu đồ phụ tải giờ cao điểm rất nhọn; việc bù công suất phản kháng gắn cố định tụ vào lưới không hiệu quả.

UBND tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, trong những năm qua, tỉnh đã kêu gọi các thành phần kinh tế để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội, tăng cường nguồn điện năng trong cả nước cũng như của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
DSCN0994
Một số nhà đầu tư đã bỏ vốn và đi vay hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các nhà máy thủy điện tại tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, khó khăn trong tiếp cận đấu nối vào hệ thống truyền tải điện Quốc gia nên các nhà đầu tư đều đầu tư cầm chừng, trông chờ vào đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải của EVN nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Điện Biên đã kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ trong đầu tư xây dựng phát triển lưới điện truyền tải 110 KV trên địa bản tỉnh với nhiều nội dung quan trọng, cấp bách.

Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 KV được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3131/QĐ_BCT ngày 15/08/2017, đã phân kỳ đầu trong giai đoạn 2016-2020: Xây dựng mới 11 trạm biến áp 110KV với tổng công suất 307 MVA (trong đó có 03 trạm biến áp 110 KV với tổng công suất 66 MVA cấp điện cho phụ tải tỉnh Điện Biên; 08 trạm biến áp 110 KV với tổng công suất 241 MVA phục vụ đấu nối thủy điện vừa và nhỏ); cải tạo, mở rộng, nâng quy mô công suất 03 trạm biến áp 110 KV với công suất tăng thêm 72MVA; xây dựng mới 12 tuyến đường dây 110 KV với tổng chiều dài 128,4 km.

Theo UBND tỉnh Điện Biên, việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải điện trên địa bàn tỉnh là thực sự cần thiết và cấp bách nên UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, EVN ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp và tuyến đường dây 110 KV trong giai đoạn đến năm 2020, sớm đi vào vận hành khai thác gồm: Tuyến đường dây 110 KV Điện Biên - Mường Chà dài 43 km; tuyến 110 KV thủy điện Nậm Mức - Mường Chà dài 22 km; tuyến nhánh rẽ 110 KV trạm 110 KV Điện Biên 2 dài 3 km và tuyến đường dây 110 KV Điện Biên 2 - Trạm 110 KV Điện Biên Đông dài 28 km theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Trường hợp EVN chưa thu xếp được nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 110 KV trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu đầu tư xây dựng lưới điện 110 KV; phối hợp với các địa phương đề xuất cơ chế huy động nguồn vốn ứng trước của các chủ đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, trong trường hợp nguồn lực của EVN bị hạn chế.

Theo phụ lục danh mục các công trình thủy điện dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn đến năm 2020, đấu nối lên lưới 110 KV trên địa bàn tỉnh Điện Biên có một số công trình đã chuẩn bị đi vào hoạt động.

Cụ thể, dự án thủy điện Huối Vang, công suất 11 MW (huyện Mường Chà) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018 nối với lưới điện 110 KV tuyến đường dây Điện Biên - Mường Chà. Đáng chú ý là dự án thủy điện Sông Mã 3 (chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đông Á), công suất 29,5 MW và dự kiến đưa tổ máy số 1 vào vận hành trong quý III/2018 đấu nối với lưới điện trạm 110 KV Điện Biên Đông.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.