Kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển bền vững
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 22:27, 04/01/2018
Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các DN, nhà đầu tư về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi đầu tư, kinh doanh, hoạt động trên địa bàn tỉnh BR-VT. Từ đó, lãnh đạo tỉnh sẽ tìm giải pháp để giải quyết, gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng cho DN, để kinh tế BR-VT phát triển theo hướng bền vững.
CẦN CÓ ĐẦU MỐI HỖ TRỢ DN
Tại hội nghị đã tiếp nhận 19 ý kiến của các DN, trong đó có 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị. Phần lớn ý kiến của các DN tập trung nhiều về kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, lĩnh vực đất đai và thuế, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng… liên quan đến các lĩnh vực cảng biển, du lịch, chế biến thủy sản, công nghiệp nặng. Ngoài ra, các DN, nhà đầu tư bày tỏ mong muốn nhận được những chính sách ưu đãi về thuế cho một số lĩnh vực đầu tư như cảng biển, du lịch…
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh nông sản cho biết: Công ty đã hoạt động tại BR-VT 9 năm nay. Trong quá trình họat động, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, Công ty cũng gặp không ít khó khăn do chính sách hay thay đổi và thay đổi đột ngột khiến DN không kịp trở tay. Chẳng hạn như thuế VAT cho thức ăn gia súc. Thông thường 1 lô hàng thường phải mất 6-7 tháng, thậm chí cả năm mới thay đổi giá được. Do đó, việc thay đổu thuế VAT làm giảm lợi nhuận sau thuế. Để DN kịp xoay xở, đề nghị cơ quan chức năng khi thay đổi chính sách, hàng năm phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để DN có lộ trình biết mà thay đổi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn cho DN về các chính sách của tỉnh. Bởi, hiện nay nhiều DN muốn đầu tư mở rộng sản xuất- kinh doanh nhưng loay hoay không biết “gõ cửa” ở đâu.
Đồng quan điểm này, ông Lâm Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đề nghị Tỉnh nên có cơ chế một cửa theo ngành. Chẳng hạn, các dự án, hoạt động nào liên quan đến ngành du lịch nên giao cho Sở Du lịch làm đầu mối. Sở du lịch có trách nhiệm chính trong việc phối hợp với phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết thủ tục cho DN...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng phản ánh liên quan đến các vấn đề thuế, vấn đề ký quỹ đầu tư. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) phản ánh: Theo Thông tư 96/2015/TT-BTC thì chế biến thủy sản hàng đóng gói được ưu đãi về thuế suất 15% thuế thu nhập DN đối với sản phẩm đã qua chế biến. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và muối đã áp dụng quy định này trong khi Tổng Cục thuế vẫn chưa chấp nhận khiến những DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản hàng tinh chế chịu thiệt thòi. Cũng theo ông Tường, hiện nay một số DN chế biến hải sản nằm trong diện phải di dời vào khu chế biến hải sản tập trung tại Lộc An (huyện Đất Đỏ). Tuy nhiên cho đến nay việc di dời này rất chậm trễ khiến DN không dám đầu tư lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Do đó, tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ trong việc di dời về thuế, về giá thuê đất…
TẬP TRUNG “GỠ KHÓ” CHO DN
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Long cho biết, trong năm 2017 với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền cộng đồng DN và nhân dân tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều đạt và tăng cao hơn so với kế hoạch đề ra, số vốn đầu tư đăng ký tăng mạnh, thu ngân sách địa phương cơ bảo đảm dự toán. Đạt được những thành tích trên là nhờ có sự đóng góp đặc biệt của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng chí Nguyễn Thành Long nhấn mạnh, với quan điểm nhất quán tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư, UBND tỉnh tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng trả lời cho DN bằng văn bản sau hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, với chủ đề “Diễn đàn kinh tế BR-VT phát triển bền vững”, lãnh đạo tỉnh muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ về mục tiêu tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, loại bỏ những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, xâm hại môi trường, hạn chế các dự án sử dụng nhiều đất, nhiều điện, thâm dụng lao động trong thời gian tới. “Chúng tôi mong muốn rằng, mỗi DN, nhà đầu tư trên vùng đất BR-VT cần quan tâm thực hiện nghiêm túc hoạt động bảo vệ môi trường, đầu tư sản xuất các thiết bị công nghệ phải hiện đại; bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư, cải tiến quy trình nhằm gia tăng năng suất, tăng hiệu quả hoạt động. Đối với các dự án sau khi được cấp phép phải tiến hành xây dựng, đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng dự án chậm triển khai, gây lãng phí về đất đai, ảnh hưởng quyền và lợi ích của người dân trong vùng dự án. Việc đầu tư của DN phải đảm bảo vừa mang lại lợi nhuận cho DN, vừa đóng góp cho nguồn thu ngân sách, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng phải chăm lo cho các hoạt động an sinh, phúc lợi xã hội của địa phương. Mỗi DN, nhà đầu tư phải xác định nguyên tắc cùng thắng, hài hòa lợi ích giữa các bên để tạo sự thành công trên vùng đất BR-VT.
Để BR-VT phát triển bền vững, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đã đặt ra 6 yêu cầu đối với các sở, ngành, địa phương và DN: Xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí; xây dựng nền kinh tế không lệ thuộc vào nguồn vốn FDI; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân; phát triển bền vững là phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường; phát triển bền vững là không rơi vào những vấn đề phức tạp về pháp lý và chăm lo nguồn lực người lao động.