Masan khẳng định cà phê là một trong các nền tảng trụ cột cho chiến lược phát triển “Beverage”

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 11:30, 27/12/2017

(TN&MT) - Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), thông báo việc Công ty TNHH Một thành viên Masan Beverage (“MB”), công ty con của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (HNX UPCom: MCH), chào mua công khai toàn bộ cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hoà (HOSE: VCF, “VCF”). Mức giá MB dự định chào mua là 202.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu hiện có từ 68,5% lên 100%. Đồng thời, Hội đồng Quản trị VCF cũng có nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức với mức 66.000 đồng/cổ phiếu, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2017.
Masan group 1
Bằng việc mua thêm khoảng 30% cổ phần của VCF, lợi nhuận của Masan dự kiến sẽ tăng lên do giảm cổ đông thiểu số.

Việc mua để tăng tỉ lệ sở hữu của Masan tại VCF dựa trên ý nghĩa chiến lược của ngành cà phê và cơ hội sinh lời cao cho cổ đông trong tương lai. Cụ thể là:

1. Từ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng cà phê hòa tan và sở hữu các thương hiệu mạnh như Vinacafé, Wake-up…Vinacafé Biên Hòa đã mở rộng thành công nhãn hiệu Wake-up 247 (nước tăng lực vị cà phê, hiện chiếm vị trí thứ 4 với thị phần khoảng 5% trong ngành hàng nước tăng lực tại Việt Nam, đạt mức tăng trưởng 58,3% trong 9 tháng đầu năm 2017) và đã khẳng định năng lực mở rộng ngành hàng thông qua “innovation” và nền tảng phân phối toàn quốc hiệu quả của Masan.

Ban Điều hành tin rằng cà phê và các sản phẩm từ cà phê sẽ là một trong các nền tảng trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống và tạo ra “giá trị gia tăng” cao cho ngành cà phê của Việt Nam.

2. Bằng việc mua thêm khoảng 30% cổ phần của VCF, lợi nhuận của Masan dự kiến sẽ tăng lên do giảm cổ đông thiểu số. Ngoài việc giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận thuần, Giao dịch này còn mang lại dòng tiền lớn hơn và tinh giản bảng cân đối kế toán hợp nhất cũng như cấu trúc Tập đoàn, nằm trong mục tiêu giảm tỉ lệ“Nợ/EBITDA” xuống dưới 2 lần trong 3 năm tới của Masan.

Vinacafe 2014
VCF là một trong các ví dụ điển hình cho năng lực “gia tăng giá trị cổ đông” cao vượt trội.

VCF là một trong các ví dụ điển hình cho năng lực “gia tăng giá trị cổ đông” cao vượt trội. Dưới sự quản lý của Masan, doanh thu của VCF từ 2.115 tỷ đồng vào năm 2012 lên 3.308 tỷ đồng vào năm 2016 (với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép đạt 11,8%), biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 27,6% lên 36,2% theo thời gian tương ứng. Với mức giá chào mua và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt này thì tỉ suất sinh lời cho cổ đông trong giai đoạn 2012–2017 từ khi Masan sở hữu cổ phần chi phối là 3,4 lần. Giá mua này tương ứng với mức Forward PE của VCF dự kiến đạt mức “mid-teen” vào năm 2018 và 1 chữ số vào năm 2019, Ban Điều hành tin rằng cơ hội tạo ra mức sinh lời tương lai cho cổ đông là rất hấp dẫn. 

Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào Quý 1/2018 và thực hiện theo sự phê chuẩn của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

LIÊN HỆ:

Dành cho Nhà đầu tư/ Chuyên viên phân tích:

Tanveer Gill

T: +8428 6256 3862

E: tanveer@msn.masangroup.com

Dành cho truyền thông:

Van Nguyen

T: +8428 6256 3862 

E: van.nguyen@msn.masangroup.com
 

GIỚI THIỆU CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN MASAN

Masan tin vào triết lý “doing well by doing good”. Sứ mệnh của Công ty là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vượt trội cho 90 triệu người dân Việt Nam. Masan hiện thực hóa tầm nhìn này bằng cách thúc đẩy năng suất thông qua những phát kiến mới, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu mạnh, và tập trung hiện thực hóa những cơ hội lớn gắn với cuộc sống hằng ngày của đại đa số người dân.

Các công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn Masan là những công ty dẫn đầu các ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt, thực phẩm chế biến và đồ uống, tài nguyên và dịch vụ tài chính, là những lĩnh vực đang tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.