Đồng Tháp ban hành Kế hoạch xử lý, giải quyết vấn đề môi trường
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 00:00, 08/06/2017
Theo kế hoạch, trong năm 2017 các Khu Công nghiệp (KCN) sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đi vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tại KCN Trần Quốc Toản và KCN Sông Hậu. Đến năm 2018, 100% chủ đầu tư hạ tầng KCN triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Một góc Khu công nghiệp Sa Đéc |
Từ năm 2020, 100% các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có phát sinh nước thải phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đi vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; 100% các chủ đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp (CCN) triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các CCN có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày trở lên theo quy định.
Đối với việc thực hiện công tác môi trường tại các Bệnh viện, cơ sở y tế, trong năm 2017 có 100% bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực đảm bảo nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 100% chất thải rắn y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý đúng theo quy định.Đến năm 2020, ít nhất 70% cơ sở y tế tuyến huyện, 50% cơ sở y tế tuyến xã thực hiện xử lý chất thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường theo quy định.
Hiện tỉnh Đồng Tháp có 3 KCN của tỉnh ở TX Cao Lãnh, TX Sa Đéc và huyện Lai Vung. Hầu hết các huyện - thị đều đang quy hoạch triển khai CCN.
Trong những năm gần đây nhiều nhà máy, xí nghiệp đã được xây dựng kéo theo sự gia tăng ô nhiễm; đặc biệt là ô nhiễm bụi và mùi ở các nhà máy chế biến thức ăn dùng cho chăn nuôi ở KCN Sa Đéc. Mặc dù, các nhà máy đông lạnh đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên. Ô nhiễm do nước thải của các nhà máy đông lạnh, nước thải của các KCN thải ra môi trường mà không xử lý triệt để.Hậu quả là nhân dân trong vùng khiếu kiện và cho đến nay chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đưa ra lộ trình bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; lộ trình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch và tình hình thực tế đơn vị, địa phương mình, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện.
Tin & ảnh:Giang Sơn