Kiên Giang: Cần khoảng 6 ngàn tỷ đồng để kiểm soát mặn, giữ ngọt
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 00:00, 20/04/2017
Việc đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi để đến năm 2020 đảm bảo được yêu cầu kiểm soát mặn, nước tưới cho 800.000 ha diện tích gieo trồng lúa hàng năm, gồm: Đông Xuân, Xuân Hè, Hè Thu, Thu Đông và lúa Mùa; hơn 4.000 ha cây trồng cạn luân canh trên đất lúa; các diện tích rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và hơn 221.500 ha nuôi trồng thủy sản các loại.
Tổng vốn đầu tư hơn 3.890 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương, phần vốn nước ngoài (ODA) từ chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và vốn đối ứng của địa phương. Bên cạnh đó,dự án kiểm soát mặn biển Tây từ Kiên Lương đến Châu Thành đầu tư xây dựng các công trình, gồm: cống âu thuyền T3 - Hòa Điền, cống Bờ Suối, cống Xóm Mới, cống Mo So, cống Bà Tài, cống Tám Thước, cống Kênh 2 (Kiên Lương); cống kênh Nhánh (TP. Rạch Giá); cống rạch Tà Niên, cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (Châu Thành). Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 1.043 tỷ đồng.
Cống Sông Kiên góp phần ngăn mặn, giữ ngọt . |
Ngoài ra, cũng cần đầu tư dự án kiểm soát mặn tuyến đê biển An Biên - An Minh đầu tư xây dựng 16 công trình, gồm: Âu thuyền Xẻo Rô, các cống rạch Ngã Bát, kênh 40, Mương Chùa, Mương Quao, Hai Sến, Chống Mỹ, kênh Dài (An Biên); cống Xẻo Ngát, Xẻo Lá, Xẻo Đôi, Chủ Vàng, Mười Thân, Mương Đào, Cây Gõ, Tiểu Dừa (An Minh). Tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 900 tỷ đồng.Xây dựng, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt đồng bộ phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng, với tổng vốn đầu tư gần 1.950 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh đã kiến nghị Trung ương sớm đầu tư xây dựng hệ thống cống Cái Lớn, cống Cái Bé nhằm kết hợp với hệ thống cống do tỉnh đầu tư để ngăn mặn từ biển Tây, giữ ngọt và tăng khả năng chuyển nước ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực. Các hạng mục trong hệ thống công trình cống Cái Lớn, Cái Bé gồm: Cống âu thuyền Cái Lớn, cống Cái Bé, đê và các cống dưới đê, kênh nối 2 sông Cái Lớn - Cái Bé, nạo vét kênh KH6 và kênh Thốt Nốt.
Việc đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt nhằm khép kín tuyến đê biển Tây đáp ứng mục tiêu kiểm soát mặn, ngăn nước biển dâng theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Kiểm soát được mặn, chống nước biển dâng cho vùng U Minh Thượng và vùng lân cận Tây sông Hậu. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho Kiên Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, thích nghi điều kiện tự nhiên của từng vùng, tiểu vùng sản xuất trên địa bàn, nhất là chủ động kiểm soát được nguồn nước, nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc xây dựng khép kín hệ thống cống ven biển Tây còn góp phần nâng mức đảm bảo an toàn cho khu vực ven biển; kết hợp hình thành tuyến đường giao thông ven biển, thúc đẩy các ngành giao thông vận tải, du lịch phát triển và phát triển kinh tế vùng ven biển; đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đê biển, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
Giang Sơn