Thái Nguyên: Tập trung sản xuất và tiêu dùng bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 22:28, 07/07/2019
Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển công nghiệp nhanh; các hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh, đóng góp tỷ trọng đáng kể cho sự phát triển của tỉnh và đất nước. Thái Nguyên đang triển khai đề án “Cánh đồng mẫu lớn” là hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở liên kết bốn nhà, là hướng đi phù hợp với quá trình chuyển nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa tập trung.
Để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vữn, tỉnh chủ trương triển khai đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, thực hiện lồng ghép vào nội dung các chương trình, kế hoạch hiện có; huy động sự tham gia, đóng góp của các thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; ứng dụng, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, quy trình quản lý; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiềm môi trường; thay đổi hành vi tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Thái Nguyên đề ra mục tiêu, đến năm 2020, đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Từng bước thay đổi mô hình sản xuất, phân phối, dịch vụ và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng, tái tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, cụ thể:
Phấn đấu tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt từ 42% đến 45%; Phấn đấu khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; Giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại đạt từ 50% đến 65%.
Tỷ lệ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt từ 60% đến 70%; Góp phần đạt chỉ tiêu quốc gia, phấn đấu tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đối với chất thải được thu gom: Chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 85%, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại đạt 75%, chất thải rắn xây dựng đạt 50% phát sịnh tại các đô thị; Tăng tỷ lệ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Nâng dần tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp trên địa bàn được cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững. Người tiêu dùng và cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; nâng tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường trong hoạt động chi tiêu công.
Kế hoạch đến năm 2030, triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, các mô hình, thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững được phổ biến và áp dụng rộng rãi tại cộng đồng và các doanh nghiệp. Cơ bản chuyển đổi được mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.
Tỉnh Thái Nguyên chủ trương tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; vận động xấy dựng lối sống thân thiện với môi trường, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, cacbon thấp, thân thiện với môi trường; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng bền vững các sản phẩm thay thế nhựa và túi nilon trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng; tập huấn chuyên đề nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững: Khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt bằng các nguồn tài nguyên, năng lượng mới có thể tái tạo; Tiếp tục thực hiện sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thân thiện vưới môi trường và loại bỏ theo lộ trình các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động sản xuất bền vững; Áp dụng phương thức tiếp cận vòng đời sản phẩm trong triển khai các hoạt động đổi mới sinh thái tại các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phòng ngừa và giảm thiểu chất thải. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các mô hình thực hành nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong các quá trình sản xuất tại các Khu, Cụm công nghiệp. Phát triển hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường; Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu theo hướng bền vững.
Về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải: Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về tái chế, tái sử dụng chất thải cho cộng đồng và doanh nghiệp; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động giảm thiểu, tái chế trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại và dịch vụ; Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện thí điểm mô hình giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.
UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên là đơn vị chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; thực hiện hoạt động nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.