Quyết tâm vận hành trở lại toàn bộ NMXS Đình Vũ

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:20, 25/06/2019

(TN&MT) - Đó là khẳng định của  đồng chí Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong chuyến kiểm tra tiến độ khôi phục lại hoạt động của Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ ngày 24/6 vừa qua.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương, PVN cùng các đối tác đã nỗ lực khôi phục lại hoạt động của NMXS Đình Vũ. Trong hơn một năm qua, việc triển khai Hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY giữa PVTEX với Tập đoàn An Phát Holdings (APH) và Công ty Cổ phần Xơ sợi Tổng hợp An Sơn - công ty thành viên thuộc Tập đoàn APH được các bên thực hiện theo đúng lộ trình đã cam kết, đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Tính đến tháng 6/2019, PVTEX đã phối hợp với APH nâng số dây chuyền DTY hoạt động từ 3 lên 12 dây chuyền. Đến ngày 15/6/2019, PVTEX đã sản xuất được 4.410 tấn sợi DTY, doanh thu gần 200 tỷ đồng, có lợi nhuận trước chi phí cố định, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 230 người lao động.

Đến thời điểm hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVTEX đã bảo toàn được vốn, người lao động có công ăn việc làm, đặc biệt đã khẳng định được chất lượng sản phẩm và dần lấy lại niềm tin của các khách hàng, đối tác trong và ngoài nước.

.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc với PVTEX

Từ câu chuyện phục hồi sản xuất của NMXS Đình Vũ, nhìn rộng hơn về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, việc khởi động lại toàn bộ nhà máy, có thuận lợi nhưng vẫn còn rất nhiều thử thách hiện hữu. Việt Nam đang hội nhập thương mại sâu rộng với thế giới thông qua các hiệp định như CPTPP, EVFTA và cơ hộ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đây không chỉ là cơ hội phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có dệt may khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xơ sợi tổng hợp trong nước đang tăng mạnh. Theo số liệu của PVTEX, hiện nhu cầu cả nước vào khoảng 700.000 - 800.000 tấn xơ sợi/năm trong khi năng lực sản xuất trong nước mới chỉ đạt hơn 30% (PVTEX đạt công suất 175.000 tấn/năm và Formosa khoảng 145.000 tấn/năm).

Mặt khác, về cơ cấu nguyên liệu, nhu cầu đối với sợi polyester ngày càng lớn so với sợi tự nhiên. Hơn nữa, khi là thành viên của CPTPP, bắt buộc hàng dệt may Việt Nam muốn được hưởng các chính sách ưu đãi khi vào thị trường này, nguyên liệu sợi phải được sản xuất tại Việt Nam, kể cả chỉ may. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, việc quy hoạch, phát triển ngành dệt may đang được dịch chuyển dần ra phía Bắc, gần khu vực nhà máy sản xuất của PVTEX. Trên cơ sở đó các nhà tư vấn khuyến cáo nên đầu tư vào lĩnh vực xơ sợi tổng hợp.

Ngược lại, các hiệp định thương mại quốc tế và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có những tác động ngược đối với thị trường xơ sợi tổng hợp. Tính từ tháng 10/2018 (kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra) hàng hóa của Trung Quốc gặp khó khăn khi tiêu thụ vào Mỹ đã quay đầu xuất khẩu ồ ạt vào các thị trường lân cận, đặc biệt là Việt Nam. Cụ thể như sợi polyester filament nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến trong thời gian kể trên, đạt mức 26,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài việc lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh, các sản phẩm từ Trung Quốc cũng phá giá thị trường rất mạnh. Nguyên nhân là các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc được các chính sách hiện hành bù thuế lên đến 13%, hỗ trợ thông qua các chính sách như hỗ trợ ưu đãi vốn, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cố tình khai giá, lượng thấp hơn thực tế nhằm trốn một phần thuế nhập khẩu.

Những việc gian lận, phá giá trên đã và đang bóp nghẹt các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Do không thể cạnh tranh được về giá với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nên các doanh nghiệp Việt Nam phải dừng một phần hoặc dừng hẳn sản xuất. Cụ thể như Công ty Nan Ya Formosa, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ chỉ chạy được 70% công suất thiết kế, Công ty sợi Nam Việt phải giảm công suất xuống 50%, trong khi Công ty Đông Tiến Hưng phải tạm ngưng hoạt động do thua lỗ.

Kết luận đợt kiểm tra tiến độ, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đánh giá cao nỗ lực của cán bộ công nhân viên PVTEX cùng các đối tác trong quá trình khôi phục lại hoạt động của NMXS Đình Vũ. Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, để có được những bước tiến trong quá trình khởi động trở lại NMXS Đình Vũ, PVN cùng các đối tác đã nhận được sự đồng thuận và cho phép của lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng các bộ ngành hữu quan.

.
Đoàn công tác thăm các phân xưởng

Đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định, dù còn rất nhiều khó khăn, phức tạp nhưng Tập đoàn và các đối tác đều thể hiện quyết tâm cao nhất đưa NMXS Đình Vũ hoạt động trở lại. Đặc biệt, việc đàm phán Hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ nhà máy cũng đã cơ bản thống nhất được một số nội dung chính và hiện hai bên vẫn đang tiếp tục trao đổi hoàn thiện, tiến tới quá trình khởi động trở lại toàn bộ NMXS Đình Vũ.