Những Người thợ trẻ của ngành Dầu khí

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 11:50, 11/06/2019

(TN&MT) - Lễ tuyên dương 34 “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần X năm 2019, doTrung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức, trong đó có 8 kỹ sư, công nhân trẻ của ngành Dầu khí được vinh danh vì đã có sáng kiến, sáng chế hữu ích, làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN).

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thanh Ngoãn (sinh năm 1984) được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn- NCSP (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV GAS) với chức danh kỹ sư vận hành. Trong quá trình làm việc, xác định NCSP đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vì thế Thanh Ngoãn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, sáng kiến khoa học kỹ thuật. 

,
Kỹ sư Nguyễn Thanh Ngoãn trong giờ làm việc

Một trong những sáng kiến thành công gần đây nhất của kỹ sư trẻ Thanh Ngoãn là “Giải pháp kiểm soát hàm lượng nước trong dòng chung của Lô 06.1 nhằm tuân thủ các thông số kỹ thuật của hợp đồng vận chuyển (TA)”. Sáng kiến này đã làm lợi cho NCSP 12 tỷ đồng.

Thanh Ngoãn cho biết: Hợp đồng vận chuyển (Transportation Agreement-TA) giữa NCSP và chủ khí lô 06.1 được ký từ ngày 27/2/2011 có quy định hàm lượng nước tối đa cho phép của dòng chung. Tuy nhiên, không có model tính toán hàm lượng nước của dòng chung nên không thể theo dõi hàm lượng nước của dòng chung. Đây được xem là lỗ hổng, ảnh hưởng đến việc bảo đảm tuân thủ hợp đồng vận chuyển  giữa NCSP và chủ khí Lô 06.1.

Trước rủi ro này, vào năm 2017, nhân dịp đợt tiến hành sửa đổi TA chuẩn bị tiếp nhận thêm nguồn khí Phong Lan Dai, Thanh Ngoãn cùng cộng sự đã đề xuất sửa đổi hợp đồng vận chuyển TA với lô 06.1. Thanh Ngoãn chia sẻ “Tôi đã đưa ra yêu cầu sửa đổi, sau đó tiến hành đàm phán cùng chủ Lô 06.1 với quyết tâm phải đưa bằng được chỉ tiêu và model tính toán vào lần sửa đổi hợp đồng vận chuyển TA này trước khi tiếp nhận thêm nguồn khí Phong Lan Dai. Bằng những lập luận kỹ thuật, thương mại chắc chắn, chặt chẽ cùng những lý lẽ đàm phán thuyết phục, kiên quyết, cuối cùng chủ khí Lô 06.1 đã đồng ý với đề xuất này. Theo đó, hợp đồng sửa đổi được các bên chính thức ký kết, đưa vào áp dụng thành công. Đây là sáng kiến lần đầu tiên của Ngoãn và các cộng sự nhưng đã góp phần bảo đảm vận hành liên tục, an toàn, hiệu quả cho dây chuyền khí Nam Côn Sơn. Sáng kiến này cũng có thể áp dụng rộng rãi cho những đơn vị khác trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có những ràng buộc chặt chẽ về hợp đồng thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế tương tự NCSP.

Sau gần 10 năm về đầu quân cho Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro (VSP) chàng trai trẻ Tạ Văn Thịnh (sinh năm 1986), kỹ sư  Khoan & Sửa giếng, Viện Nghiên cứu khoa học & Thiết kế và các cộng sự đã có 6 sáng kiến mang lại hàng triệu USD cho đơn vị, trong đó có 4 sáng kiến trị giá hơn 3,5 triệu USD đã được công nhận. Tạ Văn Thịnh chia sẻ:  Trong số 4 sáng kiến được công nhận, tôi tâm huyết nhất sáng kiến “Chế tạo vòng chặn mới cho mudline 340 giúp tiết giảm một cấp ống chống cho giếng khoan thăm dò Mioxen của VSP. So với các sáng kiến khác, sáng kiến này mang lại giá trị kinh tế không bằng nhưng nó đã khẳng định được bản lĩnh, sức sáng tạo của người thợ trẻ VSP.

.

Thịnh cho biết, trong công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí, khi tiến hành khoan thăm dò sẽ phải sử dụng tới thiết bị đặc biệt giúp hỗ trợ công tác bảo tồn giếng sau thăm dò, đó là “mudline system”. Hiện nay, VSP đang sử dụng loại mudline chuẩn trên thế giới. Với loại mudline chuẩn này đáp ứng tốt cho các giếng khoan có đầy đủ các cấp ống chống ø762mm, ø508mm, ø340mm và ø245mm. Tuy nhiên, ở VSP hiện nay có nhiều giếng khoan thăm dò khoan và các cấu tạo đơn giản về địa chất (mioxen). Việc sử dụng đầy đủ các cấp ống để phù hợp với thiết bị mudline hiện có sẽ gây ra sự lãng phí nhất định. Bên cạnh đó, việc mua sắm thiết bị mudline system diễn ra không dễ dàng, mất một khoảng thời gian khá dài từ lúc lập kế hoạch tới khi nhà sản xuất cung cấp thiết bị. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự điều hành sản xuất ở VSP, đặc biệt khi xảy ra sự thay đổi kế hoạch khoan, thay đổi cấu trúc giếng. Do đó, Thịnh và nhóm cộng sự đã nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp để thay thế. Tính đến nay, sáng kiến đã áp dụng thành công ở 2 giếng, mang lại giá trị tương đương 65.000 USD và là sáng kiến đạt giải sáng tạo tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc 2018.

Ngoài 2 anh Tạ Văn Thịnh, Nguyễn Thanh Ngoãn, ngành Dầu khí còn có 6 gương mặt trẻ khác được Trung ương Đoàn tuyên dương tại lễ vinh danh  “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2019 là: Vũ Thanh Sơn (1986), kỹ sư Điện-điều khiển Công ty khí Cà Mau; Trần Tuấn Anh (1991), kỹ sư Công ty Dịch vụ Khí (PV GAS); Nguyễn Văn Thơm (1989), kỹ sư công nghệ hóa học, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Chung Hoàng Văn (1985), Trưởng ca Xưởng Phụ trợ Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo); Phan Thái Sơn (1985), kỹ sư Công nghệ Urea (PVFCCo); Nguyễn Hữu Tiềm (1989), Xưởng Cơ khí bảo dưỡng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Khai thác Dầu khí (PTSC).

Những sáng kiến của các kỹ sư, công nhân trẻ trong ngành đã mang lại giá trị cao, góp phần giảm chi phí cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời khẳng định tác phong chuyên nghiệp, sự sáng tạo của đội ngũ người thợ trẻ trên các công trình dầu khí.