TKV luôn quan tâm đến chính sách an sinh cho người lao động
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 09:39, 14/05/2019
Lương, thưởng cho người lao động tăng theo năm
Theo ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV: Năm 2018, Tập đoàn đã sản xuất 36,95 triệu tấn than nguyên khai, tăng 4% so với kế hoạch; tiêu thụ được 40,5 triệu tấn than, tăng 12% so với kế hoạch, trong đó, bán cho hộ điện 29,2 triệu tấn, tăng 5,8 triệu tấn so với thực hiện 2017. Doanh thu toàn Tập đoàn ước tính thực hiện 121,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Riêng doanh thu của Công ty mẹ đạt 78,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với kế hoạch. Lợi nhuận của TKV đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng 1.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017. Riêng lợi nhuận Cty mẹ - TKV đạt trên 3.000 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 1,2 nghìn tỷ đồng so với thực hiện năm 2017.
Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn lần đầu tiên đạt hai con số hàng triệu là 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với kế hoạch và tăng 12,1% so với thực hiện 2017. Năm 2018, TKV đã có 3 đợt tăng tiền lương cho người lao động, cụ thể: Tăng 5% cho thợ lò làm việc tại gương từ 1/1/2018; từ 1/5/2018, tăng tiếp 5% và từ 1/10/2018 tiếp tục tăng 5% cho tất cả các đối tượng lao động. Tiền lương bình quân thợ lò đạt 16,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 14,8% so với năm 2017. Với phong trào thi đua lao động giỏi - thu nhập cao, năm 2018, toàn TKV đã có 792 thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm trở nên, chiếm 3,6% tổng số thợ lò và tăng gấp 6,4 lần so với thực hiện năm 2017. Đặc biệt, trong số đó, có 12 thợ lò có thu nhập trên 400 triệu đồng/người/năm
Ngoài ra, để thu hút lao động chất lượng cao nhằm thực hiện các chương trình cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, TKV đã ban hành mức lương chuyên gia với 3 nhóm (nhóm I: 25 triệu đồng/người/tháng; nhóm II: 20 triệu đồng/người/tháng; nhóm III: 15 triệu đồng/người/tháng).
Một thành quả ấn tượng, TKV đã kịp thời xử lý các tồn tại trong việc thực hiện pháp luật lao động, trong đó, có một nội dung đặc biệt quan trọng cần nhấn mạnh, đó là sau 2 năm kiên trì báo cáo, đề xuất (từ tháng 6/2016), ngày 1/11/2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 4621/LĐTBXH-ATLĐ điều chỉnh chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi sai trong sổ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của 21.000 lao động trong TKV.
Người lao động yên tâm làm việc
Năm 2019, TKV tiếp tục thực hiện lộ trình tăng tiền lương cho người lao động trên cơ sở tăng năng suất lao động, đảm bảo tiền lương bình quân toàn Tập đoàn không thấp hơn 11,3 triệu đồng/người/tháng, tập trung vào đối tượng lao động quản lý và chỉ đạo sản xuất do những năm trước đây mới chỉ tập trung tăng lương cho người lao động trực tiếp.
Tiếp tục duy trì các chế độ phúc lợi ưu đãi đối với người lao động làm việc trong hầm lò và các đối tượng lao động cần thu hút, đồng thời, thực hiện công tác an sinh xã hội trong nội bộ Tập đoàn như hiện nay. Xây dựng lại Hệ thống thang bảng lương của Tập đoàn theo Nghị quyết số 27- NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hướng dẫn và giám sát các đơn vị thực hiện quy định của pháp luật, nội quy lao động của Tập đoàn trong việc ký kết hợp đồng lao động, xử lý kỷ luật lao động, giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… theo các văn bản mới ban hành. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ kinh phí từ Quỹ phúc lợi của Công ty mẹ để xây dựng nhà ở cho hộ gia đình thợ lò, trên cơ sở phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Với sự chăm lo tới đời sống của người lao động trong ngành của Tập đoàn TKV, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đánh giá cao hiệu quả kinh doanh của TKV trong năm 2018; đồng thời, đánh giá cao cơ giới hóa trong sản xuất của Tập đoàn, quản trị tài nguyên; tiết giảm chi phí, lao động, tái cơ cấu hiệu quả; phúc lợi NLĐ được duy trì, đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho CBCNV.
Đối với giải pháp phát triển của TKV, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Ngành than cần chú trọng tốt về quản trị, đầu tư, cơ giới hóa, cải thiện điều kiện làm việc NLĐ; triển khai tái cơ cấu triệt để, quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản; quan tâm phúc lợi NLĐ, có quy chế cụ thể; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và giảm tối đa tai nạn lao động; cấu trúc lao động không gây thiệt thòi cho NLĐ và quy chế dân chủ phải nhận được sự đồng thuận...