Thách thức của ngành lúa gạo và đóng góp của Agribank trong chuỗi giá trị lúa gạo bền vững tại Việt Nam

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:45, 02/05/2019

(TN&MT) - Với lịch sử 30 năm (1989 - 2019) tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo trên thế giới, Việt Nam từ một nước thiếu đói triền miên, kéo dài, thường xuyên phải nhập khẩu gạo của quốc tế, đã tạo nên một kỳ tích bất ngờ khi bắt đầu chuyển sang xuất khẩu gạo vào cuối thời kỳ đổi mới và liên tục xuất khẩu sản lượng gạo năm sau cao hơn năm trước trong vòng hàng chục năm qua. Khi thị trường xuất khẩu nông lâm sản mở rộng sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thì hạt gạo Việt Nam cũng đã có mặt hơn 40 nước, góp phần đưa vị thế nước ta ngày càng vươn cao trên thế giới.

Ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức

 Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới với trung bình 6 - 7 triệu tấn gạo xuất khẩu một năm, Việt Nam đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nói riêng và thế giới nói chung. Sau kỷ lục xuất khẩu hơn 8 triệu tấn vào năm 2012, năm 2018, ngành lúa gạo của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công lớn khi đạt sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ năm 2013, lên gần 7 triệu tấn. Tổng sản lượng ngành lúa gạo cả nước đạt hơn 44 triệu tấn lúa, tăng 1,2 triệu tấn so với 2017, xuất khẩu gạo đạt giá trị 3,03 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Điểm nổi bất là giữa lúc thị trường số 1 là Trung Quốc giảm sút đến 40% thì Việt Nam lại xuất khẩu được gạo vào 2 thị trường là Philipine và Indonesia.

1
Duy trì sản lượng gạo xuất khẩu trung bình 6 - 7 triệu tấn mỗi năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới 

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được xem là kho lúa gạo của cả nước và thế giới với hơn 50% sản lượng gạo và 90% sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Với kết quả tích cực của năm 2018, ngành Công thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2019 cao hơn. Theo đó, trong 2019 ghi nhận thực tế đơn hàng từ các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tín hiệu xuất khẩu trong 2019 khá lạc quan. Đơn cử với mặt hàng gạo, theo các doanh nghiệp nhu cầu tiêu thụ gạo trong 2019 là rất lớn, tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng cao. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp, cùng với việc nhu cầu tăng cao, các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là với ngành hàng lương thực, thủy sản.

Chính điều này đã ít nhiều ảnh hưởng tới diễn biến thị trường xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2019 khi khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 ước đạt 373.000 tấn với giá trị đạt 167 triệu USD, giảm 24,2% về khối lượng và giảm 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc chững lại. Tính đến giữa tháng 1/2019, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc được 132.000 tấn gạo, giảm 31,75% so với cùng kỳ và thấp nhất kể từ năm 2016. Các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm so với Thái Lan và Ấn Độ do đang bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm là vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết.

Trong bối cảnh đó, những khó khăn nội tại của ngành lúa gạo Việt Nam càng được đặt ra một cách cấp thiết nhất là khi Việt Nam chưa có thương hiệu gạo xuất khẩu quốc gia, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar và Pakistan với những loại gạo đạt chất lượng vượt trội… liên tiếp gây áp lực đối với tình hình xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

 Là ngân hàng đi đầu trong thực thi chính sách tiền tệ phục vụ cho nhu cầu phát triển Tam nông, lúa gạo là lĩnh vực cho vay trọng điểm luôn được Agribank chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Dư nợ cho vay ngành lúa, gạo của Agribank trong 3 năm trở lại đây đã có sự tăng trưởng tích cực. Năm 2017, dư nợ cho vay lúa, gạo đạt 14.289 tỷ đồng, tăng 2.823 tỷ đồng (+25%) so với năm 2016. Năm 2018, dư nợ cho vay ngành lúa, gạo tại Agribank đạt 25.863 tỷ đồng với 70.522 khách hàng, tăng 11.574 tỷ đồng (+81%) và gần 20.000 khách hàng so với năm 2017, chiếm 33% dư nợ cho vay đối với các mặt hàng nông sản của Agribank. Dư nợ cho vay lúa gạo của Agribank chủ yếu tập trung ở khâu thu mua, chế biến, năm 2018, dư nợ cho vay thu mua, chế biến lúa, gạo của Agribank là 22.120 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86% tổng dư nợ cho vay ngành lúa, gạo. Tuy nhiên, năm 2018, nợ xấu cho vay ngành lúa, gạo là 644 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,5%, lại cũng tập trung chủ yếu tại khâu thu mua, chế biến lúa, gạo do biến động giá gạo tại thị trường thế giới và do chất lượng gạo chưa đạt yêu cầu ảnh hưởng đến cả giá trị và sản lượng xuất khẩu.

Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ cho vay ngành lúa, gạo của Agribank tại khu vực này là 12.822 tỷ đồng với 50.241 khách hàng, chiếm 50% dư nợ cho vay ngành lúa, gạo của Agribank. Nhiều chi nhánh Agribank có dư nợ cho vay ngành lúa gạo lớn như: Long An (dư nợ cho vay lúa, gạo đạt 3.010 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 16% dư nợ cho vay của chi nhánh); Tiền Giang (dư nợ cho vay lúa, gạo đạt 1.653 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 14% dư nợ cho vay của chi nhánh); An Giang (dư nợ cho vay lúa, gạo đạt 1.532 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 13,5% dư nợ cho vay của chi nhánh); Đồng Tháp (dư nợ cho vay lúa, gạo đạt 1.478 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 10,5% dư nợ cho vay của chi nhánh). Trong số 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng đầu cả nước, Agribank đang tài trợ vốn cho 3 doanh nghiệp: Tổng Công ty Vinafood 2, Công ty CP Tập đoàn Tân Long, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thành Tín, đều là các khách hàng tiềm năng, tình hình kinh doanh ổn định và có chiều hướng phát triển trong những năm tới.

 Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng khó khăn chung của ngành lúa gạo Việt Nam, Agribank cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong cho vay lúa gạo khi dễ nhận thấy lãi suất của Agribank khó cạnh tranh với các TCTD khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến vay vốn lưu động thường không có đủ tài sản thế chấp, trong khi đó với các trường hợp thế chấp bằng hàng hoá tồn kho thì việc quản lý hàng hoá gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức là doanh nghiệp vay vốn thường có tình hình tài chính không minh bạch, không đảm bảo đủ điều kiện vay vốn theo các quy định về cho vay,… Năm 2019 các doanh nghiệp chưa ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, lượng hàng còn tồn kho lớn, một số doanh nghiệp khác ngoài gặp khó về nguồn vốn còn khó khăn trong vấn đề kho bãi dự trữ... Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, năm 2018 sản lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm gần 50%. Trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch. Ngoài ra, từ tháng 6/2018 đến nay Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này. Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam gửi danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xem xét cấp giấy phép. Mới có 21/156 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu gạo vào thị trường nước họ. Điều này cũng gây khó khăn cho xuất khẩu và giảm mạnh số đầu mối xuất khẩu sang thị trường này.

Chung tay vì sự phát triền bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam

Để hỗ trợ vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc thù. Các chính sách luôn được sửa đổi bổ sung hoàn thiện phù hợp với thực tế phát triển của ngành như Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sau đó được thay thế bởi Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mô hình liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo… nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các Quyết định 63, 65 và 68. 

2
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh khẳng định:" Agribank cam kết đảm bảo cung cấp đủ hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với hình thức cho vay đơn giản và lãi suất cho vay phù hợp 

Để thực hiện Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và giảm tổn thất trong nông nghiệp, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm triển khai chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và lúa gạo nói riêng được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi hợp lý và giảm áp lực tài sản đảm bảo đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành lúa gạo. 

Sau 2 năm (2017 - 2018) thành công liên tiếp của ngành lúa gạo Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo trong những tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho nông dân. Ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo. Để thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo nói chung và tại Khu vực ĐBSCL nói riêng, ngoài các giải pháp nên trên, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù của Chính phủ để hỗ trợ sản xuất cho người dân, đặc biệt sẽ phối hợp UBND các tỉnh vùng ĐBSCL, các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội lương thực Việt Nam đẩy mạnh cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững ngành lúa gạo của Việt Nam. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng ĐBSCL, trong những năm qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho hộ dân, doanh nghiệp trong khu vực tiếp cận vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với các ngành chủ lực của vùng là nuôi trồng - sản xuất - xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và rau quả.

Xác định được mục tiêu nâng cao giá trị gạo, năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, nhu cầu vay vốn để nâng cấp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và công suất chế biến gạo tăng cao. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thu mua lúa cho nông dân, Thủ tướng đã nhất trí kiến nghị của Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan về việc triển khai biện pháp chỉ đạo Tổng Công ty Vinafood 1,2, đồng thời vận động các doanh nghiệp thu mua dự trữ lúa gạo cho hộ nông dân trong vụ Đông Xuân, giải quyết vấn đề giá lúa thấp người nông dân sản xuất không có lãi hoặc có nhưng mức lãi rất thấp. Dự kiến mua để phục vụ cho dự trữ lương thực quốc gia là 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, thu mua để hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 100.000 tấn.

Với 31 năm gắn bó đồng hành thủy chung cùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Agribank luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng là thực hiện chính sách Tam nông của Đảng và Nhà nước giao cho. Agribank tiếp tục đặt mục tiêu dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ 65% - 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, trong đó chú trọng cho vay đối với mặt hàng lúa, gạo phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để kịp thời hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, mới đây Agribank đã nhận đăng ký vay vốn của một số doanh nghiệp lớn với số tiền xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, trong đó tập trung tại một số doanh nghiệp như: Tổng công ty Lương thực Miền Nam Vinafood 2; Công ty Thành Tín Sóc Trăng; Công ty Tân Long; Công ty TNHH Tiến Phát Long; Công ty TNHH Phương Thanh; Công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ;… Thể hiện sự chung tay của Agribank với ngành ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam, tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra cuối tháng 2/2019 tại Đồng Tháp, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank đã khẳng định: Agribank cam kết đảm bảo cung cấp đủ hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với hình thức cho vay đơn giản và lãi suất cho vay phù hợp. Ông Trịnh Ngọc Khánh cũng đặt ra kỳ vọng vào những giải pháp hỗ trợ cho người nông dân trong thời gian tới sẽ góp phần cải thiện đáng kể và nâng cao chất lượng lúa gạo, giúp người nông dân được mùa nhưng không rớt giá, thu mua ổn định và xuất khẩu ổn định.

3
Góp phần chắp cánh cho hạt gạo Việt Nam vươn xa, Agribank đang biến nền nông nghiệp công nghệ hiện đại trên thế giới trở thành hiện thực trên chính đồng ruộng Việt Nam 

Từ năm 2017 đến nay, thông qua việc thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn, có uy tín trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp như Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản), Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và mới đây là Kubota (Nhật Bản), Agribank đã mở ra cơ hội quan trọng cho nông dân Việt Nam đặc biệt là nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước - có thể chuyển mình để thoát khỏi những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, thuần túy để tiếp cận với công nghệ, máy móc có chất lượng cao, hiện đại và tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là nỗ lực lớn của Agribank phù hợp với định hướng của Chính phủ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp hướng tới cách mạng công nghệ 4.0, với mục đích đưa máy nông nghiệp chất lượng cao đến với người nông dân, góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; từ đó góp phần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Hướng tới nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ là nền nông nghiệp sản xuất lớn, hàng hóa hiệu quả cao, bền vững với môi trường, ngành lúa gạo cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng để những vùng sản xuất lúa gạo có lợi thế của Việt Nam tiếp tục phát triển hiệu quả, đồng thời ngành lúa gạo Việt Nam cần chủ động đi theo hướng hạ giá thành, tăng chất lượng, đẩy mạnh khâu bảo quản chế biến, để tăng thêm giá trị gia tăng cao hướng về xuất khẩu. Theo hướng đó, trong tương lai diện tích lúa gạo có thể giảm, biến đổi khí hậu có thể làm quy mô sản xuất giảm nhưng giá trị gia tăng, hiệu quả đem lại của sản xuất lúa gạo vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Với những tín hiệu vui từ hoạt động xuất khẩu lúa gạo cuối quý 1 năm 2019, kỳ vọng bước sang quý 2 thị trường xuất khẩu gạo sẽ trở nên sôi động hơn, chúng ta cũng đặt nhiều tin tưởng vào sự quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự chung tay của các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương và người nông dân, trong đó có nỗ lực đóng góp của Agribank, là những trợ lực tích cực chắp cánh cho hạt gạo Việt Nam có thể khẳng định thương hiệu riêng và tiếp tục vươn cao trên thị trường quốc tế.