Nghê An: Hàng trăm tỷ đồng nợ xấu đóng tàu theo Nghị định 67
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 10:51, 03/05/2019
Ngư dân khai thác không hiệu quả?
Từ Nghị định 67 của chính phủ, Nghệ An đóng mới 104 tàu cá công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu đóng mới 52 tàu, Hoàng Mai 41 tàu, Diễn Châu 4, Cửa Lò 4 và Nghi Lộc 3. Sau gần 5 năm dân có tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân cho rằng do nhiều lý do khác nhau nên năng suất đánh bắt không cao, hiệu quả thấp... dẫn đến nợ nần không trả được.
Anh Nguyễn Do Thái, ở huyện Diễn Châu là người bị ngân hàng xếp vào trường hợp cố tình chây ì không trả nợ. Anh Thái, cho biết: “Nhà mình vay ngân hàng tổng số tiền hơn 22 tỉ đồng để đóng hai chiếc tàu. Nhưng đến nay mới chỉ trả được hơn 1,5 tỉ. Không phải tôi muốn chây ì, mà do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nhiều lúc tàu ra khơi gần một tháng mà không đủ tiền dầu, tiền nhân công. Để trả được hơn 1,5 tỉ cho ngân hàng tôi phải bán đi hai mảnh đất. Giờ cả hai chiếc tàu nằm bờ, đang chờ phát mại tài sản mà không ai mua, cũng muốn bán để trả nợ cho ngân hàng chuyển sang nghề khác chứ tôi sợ nghề đi biển này lắm rồi”.
Đồng cảnh ngộ với anh Thái, anh Trần Huy Thủy, ở huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Từ năm 2015 đến 2016, tàu của tôi đánh bắt được nên thực hiện việc trả nợ đúng hạn. Từ năm 2017 đến nay nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, tàu nhiều chuyến xa khơi mà về không. Nên tôi có chậm của ngân hàng tầm một hai tháng gì đó, đặc biệt những tháng cuối năm 2018 đầu năm 2019. Nhiều chuyến đi tầm 20 ngày với tổng chi phí gồm tiền đá, tiền dầu, thực phẩm khoảng 95 triệu đến 100 triệu (chưa tính tiền nhân công). Thế mà chạy lòng vòng ngoài biển rồi lại về tàu không, trong khi đó ngân hàng lại thúc ép, tôi phải đi vay tiền để trả nợ. Mình cũng phải xác định có vay là phải trả chứ”.
Tỉnh ra “tối hậu thư”
Trước tình hình nhiều ngư dân trả nợ chậm, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An có biện pháp để thu hồi nợ xấu. Trong đó nêu rõ, sau 5 năm triển khai, hết thời gian ân hạn, mặc dù ngân hàng đã nỗ lực, chủ động trong công tác phối hợp với các sở, ngành, các cấp để đôn đốc, tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, đến nay ngày càng có nhiều chủ tàu không thực hiện đúng cam kết trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng, không thực hiện mua bảo hiểm thân tàu theo thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng của 37 chủ tàu đã đến hạn mà không trả nợ cho ngân hàng với số tiền lên tới 156 tỷ đồng. Trong đó, nhiều chủ tàu cố tình chây ì, dù có điều kiện. Đại diện ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An, cho biết: “Để dẫn tới tình trạng nợ xấu lên tới 156 tỷ đồng, là do công tác phôi hợp triển khai thực hiện Nghị định 67 giữa các cấp, các ngành hiệu quả không cao. Chỉ dừng lại ở việc tổ chức buổi làm việc với ngư dân, cung cấp thông tin, tuyên truyền đôn đốc người dân trả nợ… mà không đưa ra các biện pháp hỗ trợ nghành ngân hàng quản lý, kiểm soát nguồn thu từ các chuyến khai thác, đánh bắt của ngư dân. Chưa thông báo kịp thời khi có chi tiền ngân sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, dẫn tới dù ngư dân đã đồng ý chuyển khoản tiền đó thành tiền trả nợ cho ngân hàng nhưng sau đó họ lại không thực hiện. Chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý những ngư dân cố tình không trả nợ và phá bỏ hợp đồng. Như trường hợp của Ông Trần Đình Nhàn ở Hoàng Mai, tự ý cái hoàn tàu và chuyển cả gia đình vào Đà Nặng để sinh sống”.
Được biết, đối với các trường hợp có thu nhập tốt nhưng cố tình không trả Ngân hàng đã khởi kiện 04 chủ tàu ra tòa, tuy nhiên qua trình khởi kiện kéo dài, việc thi hành án, cũng như bán đấu giá cũng mất nhiều thời gian. Các tàu cá nếu nằm bờ quá lâu sẽ xuống giá trị rất nhanh. Việc này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình thu hồi nợ của Ngân hàng.
Mới đây, ngày 11/4/ 2019 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 2375/UBND-NN, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ tàu chây ì để phối hợp với các ngân hàng tìm giải pháp, đôn đốc ngư dân trả nợ theo đúng cam kết; đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ì, không hợp tác. Trường hợp phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân, các hành vi vi phạm pháp luật, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng giao UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động khai thác, sản lượng khai thác và tiêu thụ hải sản của ngư dân; kịp thời phối hợp, thông báo cho các ngân hàng các nguồn thu khác của chủ tàu như tiền hỗ trợ các chuyến đi biển, tiền hỗ trợ đóng mới tàu công suất trên 700CV, tiền hỗ trợ chi phí nhiên liệu…để các ngân hàng có phương án thu hồi nợ.
Các địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc xác định, tham mưu UBND tỉnh các chủ tàu đủ điều kiện, năng lực, tạo điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, qua đó hỗ trợ cho các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp chủ tàu không đủ khả năng trả nợ hoặc cố ý chây ì không trả nợ.
Đối với trường hợp chủ tàu cá đã bị các ngân hàng thương mại khởi kiện và các vụ án dân sự liên quan đến chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 phát sinh về sau, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị tòa án các cấp đẩy nhanh quá trình xét xử; Cục Thi hành án dân sự tỉnh đẩy nhanh quá trình thi hành án đối với các vụ việc liên quan.