Giải thích hiện tượng khói đen ở Nhà máy Bia Hoàng Hoa Thám

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 07:48, 12/04/2019

(TM&MT) - Trong ngày 5/4, hiện tượng khói đen xảy ra tại khu vực sản xuất của Công ty Bia Hà Nội – Hoàng Hoa Thám – Tổng công ty CP Bia – Rươu- Nước giải khát Hà Nội. Vì sao có hiện này?. 

Tại Nhà máy bia Hoàng Hoa Thám, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Võ Long Bình – Giám đốc Nhà máy, ông Bình cho biết, việc xảy ra hiện tượng khói màu đen trong ngày 5/4 với thời gian 5-6’ là có thật. Bởi, khi nhiên liệu bị ẩm do thời tiết, mưa bão, hiệu quả đốt kiệt của lò biomass bị giảm do nhiên liệu cháy chưa hết, một phần khói sẽ bị nhiễm màu đen.

.
Nhà máy đã xử lý hết hiện tượng khói đen do đốt mùn cưa ẩm

Để hạn chế việc này, trong thời gian qua, Nhà máy và Công ty TNHH Nhiên liệu và năng lượng tái tạo Thuận Phát – đơn vị thực hiện dự ánnhiên liệu sạch biomass nhằm bảo vệ môi trường, luôn phối hợp kiểm tra, rà soát nhiên liệu đưa vào, đảm bảo duy trì độ ẩm tối đa 15-20%. Các trường hợp nhiên liệu không đảm bảo sẽ phải dừng để xử lý sấy, tách ẩm, đảm bảo quá trình cháy sinh nhiệt được tốt nhất, giảm đến mức tối đa hiện tượng khói có màu đen ra ngoài. Nhà máy cũng có biện pháp kiểm soát khói đen là lắp camera online trực tiếp hệ thống khói lò trong phòng vận hành, để khi xảy ra trường hợp bị khói đen, các cán bộ phòng vận hành sẽ ngay lập tức dừng cấp liệu và tiến hành đổi bao nguyên liệu mới đạt yêu cầu, không bị ẩm ướt. Do đó việc khói đen nếu có xảy ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn 5 – 6 phút là có thể xử lý dứt điểm.

 Được biết, từ cuối năm 2012, Tổng công ty đã nghiên cứu dự án mua hơi và cho triển khai nghiên cứu nhiên liệu sạch biomass nhằm bảo vệ môi trường. Đến giữa năm 2013, Công ty TNHH Nhiên liệu và năng lượng tái tạo Thuận Phát được lựa chọn làm đối tác triển khai dự án. Công trình 02 lò hơi biomass được đưa vào lắp đặt, chạy thử và đến 1/11/2014 chính thức đi vào hoạt động, cung cấp hơi bão hòa phục vụ sản xuất và thay thế toàn bộ hệ thống cấp hơi bằng lò đốt dầu FO cũ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổ trường tổ dân phố số 4B Liễu Giai cho biết “Từ khi nhà máy thay thế đốt dầu FO bằng mùn cưa thì không còn hiện tượng muội dầu bay ra ngoài không khí. Khí của lò được xử lý bằng hệ thống dập bụi, lọc bụi nên không ảnh hưởng đến đời sống cư dân trong khu vực. Cho đến thời điểm hiện tại, tổ dân phố không nhận được đơn thư phản ánh của người dân sống trong khu vực liên quan đến việc có khói đen từ Nhà máy Bia Hà Nội Hoàng Hoa Thám...”.

Trao đổi với phóng viên về hệ thống lò hơi, ông  Võ Long Bình cho biết: Hệ thống lò hơi sử dụng nguyên liệu sinh khôi biomass (mùn cưa có kích cỡ 2-3mm, độ ẩm <15%). Mùn cưa được đưa vào phễu nạp liệu và được vít tải đưa lên Bin nhiên liệu (hay quạt hút chuyển từ xy-lo dự trữ lên Bin nhiên liệu, có lọc vải thu bụi). Sau đó được cấp vào Biomass Burner bằng quạt cấp liệu. Tại Biomass Burner được khởi động bằng bộ phận đánh lửa và đầu đốt dầu gia nhiệt đến nhiệt độ cao (>500oC) trong 3-5 phút để tạo vùng phản ứng nhiệt phân biomass. Đồng thời được cấp khí giới hạn (đói khí) để tiếp tục khí hóa (gasification) với hệ thống khuấy đảo khí tạo nhiều tầng lốc xoáy, gia tăng tốc độ phản ứng để hình thành khí nhiệt phân (Pyrogas) hay khí tổng hợp (Syngas) dễ cháy chuyển trực tiếp qua đầu đốt (Burner), được cấp ôxy để đốt cháy hoàn toàn, phát nhiệt. Nguồn nhiệt phát ra từ Syngas (800 - 1300oC) sẽ kết nối trực tiếp với lò hơi để sử dụng thay thế nguồn nhiệt do đốt dầu, đốt gas hay đốt bằng các loại nhiên liệu khác.

Như vậy có thể thấy công nghệ lò hơi biomass có tính năng ưu việt, một mặt tiết kiệm năng lượng; tiết kiệm chi phí và quan trọng là thân thiện môi trường.