PV GAS: Công tác an toàn luôn là nhiệm vụ trọng tâm
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:06, 12/04/2019
Nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác An toàn - Sức khoẻ - Môi trường (ATSKMT), hàng năm, PV GAS đều ban hành Mục tiêu An toàn - Chất lượng - Môi trường (AT-CL-MT), gồm 6 mục tiêu với 14 chỉ tiêu và được cụ thể hoá bằng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, bám sát theo chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của tổng công ty bao gồm: Đảm bảo chất lượng, sản lượng các sản phẩm khí cung cấp cho khách hàng; Hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính; Kiểm soát các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa và đầu tư xây dựng; Kiểm soát các hoạt động có khả năng gây tác động đến môi trường; Đảm bảo tiến độ các dự án và Hoàn thiện Hệ thống quản lý AT-CL-MT.
An toàn – bảo vệ môi trường gắn liền với sản xuất – kinh doanh
Kế hoạch An toàn – Vệ sinh – Lao động (ATVSLĐ) của các đơn vị thuộc PV GAS được lập, thực hiện ngay từ đầu năm nhằm đảm bảo công tác an toàn được thực hiện xuyên suốt gắn liền với quá trình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Kết quả thực hiện đều đạt tỷ lệ cao. Điển hình trong năm 2018, các đơn vị đã thực hiện hoàn thành 1.275/1.328 đầu việc, đạt 96% kế hoạch ATVSLĐ. Các đầu việc còn lại được các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện và không ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn.
Kinh phí hoạt động an toàn thường xuyên được thực hiện trong toàn PV GAS tăng dần qua các năm: 2015 là 82,85 tỷ đồng, năm 2016: 79 tỉ đồng, 2017 là 92 tỷ đồng, 2018: 144,773 tỷ đồng. Điều đó cho thấy công tác đảm bảo các điều kiện an toàn được sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo PV GAS.
Nhiều năm qua, PV GAS liên tục duy trì công tác phối hợp với Chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Tổng cục Thuỷ sản trong việc tuần tra, tuyên truyền và xử lý các vụ vi phạm có khả năng gây mất an toàn cho công trình khí và các hệ thống đường ống dẫn khí. Bên cạnh công tác tuần tra bảo vệ dọc tuyến ống trên bờ được các đầu mối của PV GAS như NCSP và KĐN phối hợp thực hiện, các đơn vị còn phối hợp với công an các địa phương tổ chức tuần tra dọc các tuyến ống khoảng gần 300 lượt/năm, trong đó, tuần tra đêm nhiều gấp 3 lần ban ngày. Các đơn vị cũng phối hợp với Bộ đội Biên phòng BR-VT tuần tra bảo vệ tuyến ống biển trong phạm vi 12 hải lý 10 lần/tháng; với Bộ đội Biên phòng Cà Mau 01 lần/tháng. Với phạm vi ngoài 12 hải lý, NCSP phối hợp Bộ đội biên phòng BR-VT tổ chức tuần tra 02 lần cho đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; KĐN và KCM phối hợp lực lượng Cảnh sát Biển tuần tra 16 lần cho đường ống Bạch Hổ và 12 lần cho đường ống PM3-Cà Mau.
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được PV GAS triển khai ngay từ khi bắt đầu của mỗi dự án. Đến nay, các công trình/dự án khí của PV GAS đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Cam kết BVMT/ Kế hoạch BVMT/Đề án BVMT và tổ chức thực hiện đầy đủ.
Các hoạt động liên quan đến xử lý sự cố tràn dầu và hóa chất đều nằm trong kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất. Việc giám sát môi trường được triển khai theo đúng các yêu cầu pháp luật, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn Việt Nam và lưu giữ hồ sơ theo quy định. Định kỳ hàng năm, PV GAS và các đơn vị mời chuyên gia các Sở TN&MT các địa phương để tập huấn các quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, CBCNV tại các đơn vị thường xuyên tham gia các hoạt động phát triển bền vững trong các lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội, phát triển cộng đồng.
Nâng cao trình độ, giảm thiểu rủi ro
Mọi rủi ro liên quan đến các hoạt động của các đơn vị đều được nhận diện, lập danh mục và kiểm soát, cập nhật hằng năm. Công tác đánh giá, phân tích rủi ro trước khi thực hiện công việc được duy trì tuân thủ theo đúng quy trình. Tuy nhiên, rất đáng tiếc trong năm 2018 vẫn còn hiện tượng chưa nhận diện hết các mối nguy có thể gây sự cố trong quá trình đánh giá rủi ro, chủ quan khi thực hiện công việc, quản lý an toàn nhà thầu dẫn đến xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan của con người.
Nhận thức rõ vấn đề trên, PV GAS luôn chú trọng và đảm bảo cho tất cả cán bộ công nhân viên được đào tạo, huấn luyện đầy đủ nhất các kiến thức ATVSLĐ. Ngoài ra, tổng công ty còn duy trì tổ chức các khóa đào tạo bên ngoài, đào tạo nội bộ để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh công việc, từng bước nâng cao hơn nữa kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên. Công tác đào tạo đáp ứng kịp thời yêu cầu SXKD, bám sát chiến lược đào tạo - phát triển nguồn nhân lực của PVN giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035 và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch do Tập đoàn giao hàng năm. Đơn cử 2018, PV GAS đã hoàn thành 609 khóa đào tạo (trong đó Công ty mẹ là 447 khóa, đơn vị trực thuộc là 397 khóa, đơn vị thành viên là 162 khóa) hoàn thành đào tạo cho 15.806 lượt người, với tổng chi phí dành cho đào tạo là 37 tỷ đồng.
Hiệu quả từ quá trình tăng cường ATSKMT hàng năm, PV GAS đều thực hiện vận hành an toàn các hệ thống khí, phối hợp chặt chẽ với các chủ khí để giảm thiểu các sự cố dừng cấp khí ngoài kế hoạch góp phần cấp khí vào bờ ổn định và và hoàn thành vượt mức kế hoạch về sản lượng khí. Công tác BDSC trong các đợt dừng khí đều được thực hiện an toàn và vượt tiến độ đề ra. Trong năm 2018, PV GAS đã rút ngắn thời gian dừng khí so với kế hoạch ban đầu đối với khí PM3 - Cà Mau là 2 ngày; khí NCS là 2,5 giờ và khí Cửu Long là 8 giờ so với kế hoạch. Việc tiếp nhận và đưa khí Cửu Long vào bờ sớm hơn kế hoạch tương ứng 1.298.812 m3 khí góp phần trực tiếp tăng danh thu cho PV GAS khoảng 18 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng đảm bảo vận hành an toàn cho cho 1.591 chuyến tàu và 72.259 chuyến xe bồn vào xuất nhập sản phẩm lỏng; vận hành an toàn ổn định kho lạnh, không để xảy ra sự cố và đã tiếp nhận an toàn 17/17 tàu tải trọng lớn vào cảng nhập LPG lạnh; hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển bán lẻ LPG, cơ sở thúc đẩy và chiếm lĩnh thị trường.
Nhằm đảm bảo tất cả cán bộ công nhân viên nắm vững và thấu hiểu các quy định của pháp luật, hệ thống các quy trình nội bộ, quy trình quản lý hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị, công trình khí của tổng công ty, cũng như cập nhật liên tục các kiến thức chuyên môn, kỹ năng và từng bước tối ưu hiệu quả công tác đào tạo, PV GAS đã triển khai việc khai đánh giá năng lực chuyên môn trên phần mềm thông qua Ngân hàng câu hỏi đối với tất cả các Ban, đơn vị trực thuộc và đơn vị thành viên. Trong năm 2019, PV GAS tiếp tục tiến hành đánh giá năng lực chuyên môn trên phần mềm thông qua Ngân hàng câu hỏi cho tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là ATVSMT đối với cán bộ công nhân viên các Ban, đơn vị trưc thuộc và đơn vị thành viên. Đây cũng là hình thức đào tạo nội bộ thiết thực gắn với quy định, máy móc thiết bị tại các đơn vị, tiết kiệm được chi phí lớn và đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình khí, giảm lỗi vận hành sai do yếu tố con người.