Phú Vang (Thừa Thiên - Huế): Kinh doanh “sạch” từ... biển
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 11:00, 09/04/2019
Chế biến thủy sản ở Phú Vang gồm chế biến nước mắm, chế biến thủy sản khô và chế biến thủy sản đông lạnh. Sản phẩm chế biến đa dạng, phong phú đã góp phần cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong đó, chế biến nước mắm là một trong những nghề truyền thống song song với nghề đánh bắt và khai thác thủy sản. Trung bình mỗi năm, Phú Vang sản xuất được hơn 9.400 lít nước mắm, tập trung chủ yếu là xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An. Sản lượng nước mắm được chế biến tăng dần qua hàng năm.
Bên cạnh nghề làm nước mắm, người dân nơi đây còn làm các loại mắm từ lâu đã trở thành đặc sản như: mắm tôm, mắm tép, mắm ruốc... để dùng trong gia đình hay bán ở các chợ. Thực tế, vẫn chưa có hộ kinh doanh nào tạo được bứt phá, đánh dấu cho thương hiệu mắm Phú Vang trên thị trường trong và ngoài tỉnh mà chủ yếu chỉ phục vụ, kinh doanh theo hộ gia đình. Làm mắm ở đây theo kiểu công thức gia truyền, còn mang tính sản xuất nhỏ.
Tập trung chủ yếu các xã Phú Hải, Phú Thuận, thị trấn Thuận An, chế biến thủy hải sản khô từ lâu đã có tiếng của cư dân vùng biển Phú Vang, nhất là khi biển được mùa, lượng cá tươi, mực, tôm tiêu thụ không kịp người dân chế biến hải sản khô để tiêu thụ dần. Trong đó, có hai loại hải sản khô đem lại giá trị cao là mực khô và cá khô các loại.
Sản phẩm hải sản khô ngày nay không chỉ được sản xuất theo kiểu truyền thống là phơi khô phụ thuộc vào thời tiết mà các hộ dân nơi đây cũng như các cơ sở đã đầu tư máy móc để sấy khô, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, Phú Vang với sản lượng khai thác được từ mực, tôm, cá tươi khá phong phú nên người dân đã đầu tư máy móc, kỹ thuật để làm đông lạnh nhằm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Một trong số đó là đơn vị chế biến mực xuất khẩu thương hiệu Nam Thuận An, thị trấn Thuận An. Và mỗi năm, trên địa bàn Phú Vang có đến hàng trăm tấn mực tươi xuất khẩu. Điển hình qua hàng năm, sản lượng mực tươi qua chế biến từ 660 tấn đến 880 tấn. Điều này chứng tỏ sự phát triển không ngừng của ngành chế biển thủy, hải sản đông lạnh ở Phú Vang.
Tại xã Vinh Thanh, mấy năm gần đây, nhờ mô hình nuôi xen ghép, nuôi trồng thủy sản không còn xảy ra dịch bệnh, thua lỗ như trước. Toàn xã hiện có 47 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản đều mang lại hiệu quả kinh tế cao; trong đó, hộ ông Nguyễn Công Tin ở thôn 3 có khoảng 4 ha mặt nước, mỗi năm, nuôi ba vụ tôm - cua - cá đều cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.
Hiện nay, Phú Vang đã hoàn thành công tác giải tỏa, sắp xếp nò sáo, luồng lạch, khoanh vùng bảo vệ nhằm bảo đảm môi trường và nguồn lợi thủy sản. Những năm qua, huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản gồm các hạng mục: Hệ thống kênh cấp, nạo vét kênh thoát, ao lắng, ao xử lý các vùng nuôi tôm cao triều… từng bước hạn chế dịch bệnh và ổn định sản xuất.
Ông La Phúc Thành - Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm kinh tế, văn hóa - xã hội vùng biển và vùng cát; phát triển ngành nghề, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để đánh bắt xa bờ, trung bờ, góp phần hạn chế tình trạng khai thác ven bờ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường biển...