Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Nhiều giải pháp bảo vệ sản phẩm trước hàng giả, hàng nhái
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 12:51, 11/04/2019
Phát hiện hàng trăm vụ nhái nhãn mác sản phẩm
Kể từ năm 2010 cho tới nay, Công ty đã phát hiện và phối hợp xử lý hàng trăm vụ làm nhái nhãn mác các sản phẩm phân bón của Công ty hoặc tái sử dụng các bao bì đã qua sử dụng của Công ty để đánh lừa người tiêu dùng, trong đó, phổ biến nhất là sản phẩm NPK-S Lâm Thao 5.10.3-8 bởi đây là sản phẩm truyền thống lâu đời của Công ty. Gần đây nhất, vào tháng 7/2018, Công ty đã nhận được thông tin phản ánh của bà con nông dân tại Đắk Glong - Đắk Nông khi mua phân bón ký hiệu 5.10.3 của Lâm Thao bón cho cây cà phê làm cho một vài cây có hiện tượng rụng trái, chết cành và rụng lá hàng loạt. Tuy vậy, sau khi Công ty cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra, phát hiện có một vài bao phân bón không phải của Lâm Thao nhưng được trà trộn bán chung với các bao chính hãng, chủ cửa hàng vì tham lợi nhuận đã tái sử dụng lại vỏ bao của Lâm Thao trong thời điểm nhu cầu của bà con đang rất cao mà hàng thì khan hiếm. Qua kiểm tra nhanh cho thấy, tổng hàm lượng dinh dưỡng chính của các bao này chưa đầy 1%.
Điều đáng nói, vụ việc trên đã khép lại mà không có bất kỳ một kết quả có lợi nào cho tất cả các bên, khi phân bón Lâm Thao không sai không bị phạt nhưng uy tín bị giảm mất phần nào, bà con có cây cà phê bị chết vì không nhớ mua phân bón ở đâu nên cũng không bắt đền được chủ cửa hàng, vừa mất tiền, vừa mất mùa. Được lợi nhất về mặt kinh tế ở đây có lẽ là chủ cửa hàng đã định hướng và bán hàng giả cho bà con.
Sáu giải pháp ngăn chặn nạn phân bón giả
Trước thực trạng phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, gây thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính, là nhà sản xuất kinh doanh phân bón có sản lượng lớn nhất Việt Nam với bề dày gần 58 năm xây dựng và phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã và đang áp dụng các giải pháp để ngăn chặn nạn phân bón giả, bảo vệ thương hiệu và lợi ích hợp pháp của Công ty và của người nông dân.
Thứ nhất, khẳng định vị trí phát triển bền vững trên thị trường bằng các sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao, an toàn thân thiện với môi trường và nông sản là giải pháp cơ bản trong cuộc chiến với phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Thời gian qua, Công ty đã có nhiều giải pháp nghiên cứu khoa học, đưa chất lượng các loại sản phẩm lên tầm cao mới. Công ty đã nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phân bón mới với phối liệu tối ưu, công thức sử dụng tối ưu, phù hợp cho từng chủng loại cây trồng trên từng loại đất. Khi người tiêu dùng sử dụng đúng chủng loại phân bón của Công ty theo đúng hướng dẫn sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí mua phân bón, vừa đảm bảo chất lượng nông sản, lâm sản ở mức cao nhất.
Thứ hai, tiến hành bảo hộ nhãn hiệu với logo là 3 nhành cọ xanh, bên dưới có chữ Lâm Thao tại Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015.
Thứ ba, xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm từ các nhà phân phối khu vực đến các cửa hàng bán lẻ trực tiếp cho nông dân trên toàn quốc. Tại các cửa hàng trong hệ thống phân phối, Công ty có biển hiệu ghi rõ "Cửa hàng bán phân bón Lâm Thao bảo vệ người tiêu dùng", đồng thời, có một số cảnh báo về phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.
Thứ tư, tăng cường quảng bá sản phẩm phân bón trên các phương tiện truyền thông như: Đài Truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và Truyền hình các tỉnh, hệ thống Đài truyền thanh các xã. Công ty đã kết hợp với kênh truyền hình nông nghiệp, nông thôn VTC 16 tổ chức chương trình tư vấn trực tiếp "Hỏi biết trên đồng"; kết hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức chương trình tư vấn "4 đúng trong sản xuất nông nghiệp" (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp),…
Thứ năm, tham dự các hội nghị, triển lãm chuyên ngành, phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan tổ chức các sự kiện liên quan đến phân bón, thiết kế các Pano, Banner, nhân diện hàng thật, phân biệt hàng giả và hàng kém chất lượng.
Thứ sáu, mỗi năm, Công ty trực tiếp tổ chức hàng nghìn hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao xuống các thôn, xã nhằm trang bị kiến thức cho hàng trăm nghìn bà con nông dân về hướng dẫn cách sử dụng phân bón cho các loại cho cây trồng theo khoa học, cách phân biệt mẫu mã, bao bì, tem, dấu, màu sắc,… của các sản phẩm phân bón Lâm Thao so với phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, giới thiệu địa chỉ, tên gọi của hệ thống các cửa hàng bán phân bón Lâm Thao tại địa phương.
Cần sự chung tay của người tiêu dùng
Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Công ty đang gặp phải một số khó khăn nhận diện về sản xuất phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Họ đánh vào sự hám lợi của một số đại lý, cửa hàng đã vì lợi nhuận (do phân bón giả có giá thành thấp nên đã chi thù lao cho người bán hàng cao) mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Mặt khác, do nhận thức của người dân nhiều nơi đặc biệt là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không phân biệt được phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thêm vào đó là tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.
Để hạn chế vấn nạn sản xuất hàng giả, nhái, kém chất lượng, Công ty đưa ra một số kiến nghị: Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước: Thứ nhất, Supe Lâm Thao kiến nghị nhanh chóng điều chỉnh các điều và khoản của Luật và văn bản dưới Luật có liên quan tới ngành sản xuất phân bón nhưng bị đánh giá là chưa thực sự phù hợp. Cụ thể như Luật Thuế GTGT 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế điều chỉnh thuế GTGT có hiệu lực từ 1/1/2015. Theo đó, mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang mặt hàng không chịu thuế chứ không phải giảm thuế GTGT xuống 0%. Công ty vẫn phải chịu thuế đầu vào mà không được khấu trừ. Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón lên 3% - 4% giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm phân bón Lâm Thao. Đồng thời, với đó là cơ hội để một vài doanh nghiệp sản xuất phân giả, nhái xâm nhập thị trường với giá bán rẻ và chiết khấu khuyến mãi hấp dẫn do chi phí sản xuất thấp.
Thứ hai, cần thiết phải xây dựng quy hoạch ngành phân bón. Để thị trường phân bón được ổn định, tạo môi trường kinh doanh hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng phân bón, cần phải có vai trò của các cơ quan chức năng đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương, ngành nông nghiệp. Sự quản lý chặt chẽ và có hiệu quả sẽ bảo vệ được nhà sản xuất chân chính và bảo vệ được người nông dân sử dụng phân bón.
Hiện nay, việc quản lý phân bón đã được thống nhất giao cho Bộ NN&PTNT quản lý theo Nghị định 108/2017 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/9/2017, điều này rất thuận lợi trong việc chống nạn phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Tuy vậy, Công ty kiến nghị cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phép sản xuất, khảo nghiệm, cấp Giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ, giám sát kiểm tra việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp sản xuất, các đại lý kinh doanh phân bón, các hộ nông dân về các quy định của Nhà nước về quản lý phân bón, về các tiêu chuẩn kỹ thuật của phân bón.
Đối với bà con nông dân, Công ty khuyến cáo: Là những người trực tiếp mua và sử dụng phân bón cho các loại cây trồng, bà con nên mua phân bón của các công ty có uy tín, có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. Tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ham rẻ, không quá tin vào các đại lý bán hàng (vì các đại lý vì lợi nhuận định hướng cho người nông dân mua các loại phân bón có chất lượng kém nhưng mang lại lợi nhuận cao), cần học hỏi các kiến thức về phân bón, cách sử dụng phân bón, dấu hiệu nhận biết phân bón thật, phân bón giả để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt.