Nhiệt điện Thái Bình 2: Cần lắm sự vào cuộc của các bộ, ngành
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:58, 04/03/2019
Nhiệt điện vẫn là cần thiết trong thời gian tới
Phát triển nhiệt điện than vẫn rất cần trong thời gian tới. Đó là khẳng định của GS. Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết phát triển nhiệt điện than trong thời gian tới.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã chỉ rõ với mức tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7%/năm, nhu cầu điện của nước ta vào năm 2020 sẽ vào khoảng 235 – 245 tỉ kWh/năm, tương đương tổng công suất hơn 52 ngàn MW.
Như vậy bổ sung thêm các nguồn điện mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng luôn là vấn đề cấp bách đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thực hiện trách nhiệm này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã liên tục đầu tư các dự án nguồn điện từ năm 2007. Tập đoàn đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 04 Nhà máy nhiệt điện khí, 03 Nhà máy thủy điện, 01 Nhà máy nhiệt điện than với quy mô công suất 4.208,2 MW. Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu phát triển nguồn điện theo chiến lược đã đề ra, PVN đang đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển các dự án điện Khí từ nguồn nhiên liệu khí (Dự án điện khí Kiên Giang sử dụng khí Lô B, Dự án điện Khí sử dụng Khí từ mỏ Cá Voi Xanh) và các dự án điện khí LNG (Nhơn Trạch 3, Sơn Mỹ 2).
Được biết, về nhiệt điện than, PVN đã hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và đang hoạt động có hiệu quả; đồng thời đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 03 Dự án Nhiệt điện than là Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2. Đặc biệt, trong bối cảnh 3 - 4 năm sắp tới không có dự án nguồn điện lớn nào hoàn thành, việc đưa NMNĐ Thái Bình 2 vào phát điện (đã hoàn thành hơn 83% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị chính) có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Kịch bản nào cho Nhiệt điện Thái Bình 2?
Đối với Nhiệt điện Thái Bình 2, trong quá khứ, đã xảy ra một số sai phạm. Các cơ quan chức năng đã xử lý các cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Một số vấn đề liên quan đến vi phạm như thu hồi tài sản nhà nước thất thoát từ dự án sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng xử lý. Nhưng đây không thể là lý do để tiếp tục ảnh hưởng tới công tác triển khai dự án.
Ở đây, chúng ta cần phải đánh giá dự án một cách khách quan, tách bạch trên lợi ích quốc gia như Lãnh đạo Bộ Công Thương đã phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh Thái Bình mới đây: “Không có lý do gì để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành”.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện cấp bách được hưởng cơ chế đặc biệt trong Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013. Tính đến nay, quyết định này đã có hiệu lực 5 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cho một số nội dung còn vướng mắc. Việc triển khai thiếu sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý cấp Nhà nước có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật hiện hành. |
Với công suất thiết kế 1.200MW, Dự ánNMNĐ Thái Bình 2 sẽ cung cấp ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 7,2 tỉ kWh điện thương phẩm/năm. Đây là nhà máy có ý nghĩa quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì lẽ đó,tại lễ khánh thánh NMNĐ Thái Bình 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để giải quyết các vấn đề của dự án NMNĐ Thái Bình 2 với mục tiêu là hoàn thành vào năm 2020, qua đó hoàn thành Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình.
Đây có thể xem là hạn chót mà Chính phủ đặt ra đối với PVN trong việc triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Nhưng rõ ràng, để cụ thể hoá chủ trương này thì một mình PVN không thể giải quyết được do rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tài chính cho các hạng mục còn lại (vì từ tháng 9/2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay nên dự án bị thiếu vốn. PVN đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt”).
Với tinh thần đó để xử lý các vấn đề tồn tại của NMNĐ Thái Bình 2, có thể hình dung ra 2 kịch bản như sau: Thứ nhất là tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án làm căn cứ xem xét bổ sung nguồn tài chính triển khai dự án. Thứ hai là khơi nguồn tài chính, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về tài chính để dự án về đích phát điện phục vụ đất nước.
Với phương án thứ nhất, có thể thấy, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 sẽ lại rơi vào tình huống lưỡng nan, “khó hẹn ngày về”, bởi để tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án sẽ mất rất nhiều thời gian. Việc kéo dài dự án khiến các chi phí quản lý, khấu hao, trả lãi ngân hàng… tăng cao. Điều này sẽ dẫn tới sự lãng phí nghiêm trọng bởi theo thông tin của chúng tôi có được, với 32 ngàn tỉ đồng đã đầu tư (đến thời điểm hiện tại gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu), thì mỗi ngày chi phí vốn khoảng 6 tỉ đồng tiền lãi; mặt khác, tài sản đã đầu tư mà không hoàn thành Nhà máy thì ngày càng mất giá trị và không có hy vọng thu hồi vốn gốc.
Với kịch bản thứ 2, cơ hội để dự án NMNĐ Thái Bình 2 sớm hoàn thành, có thể thu hồi vốn đầu tư là khá rõ. Chẳng hạn, nếu giờ bỏ thêm 2,5 ngàn tỷ đồng để hoàn thành khoảng 17% khối lượng công việc còn lại, đưa nhà máy vào vận hành thì lợi ích mang lại rất rõ ràng. Đó là hệ thống điện quốc gia sẽ được bổ sung 7,2tỉ kWh điện mỗi năm, qua đó làm giảm nguy cơ thiếu điện. Mặt khác, dự án hoạt động sẽ tạo doanh thu để từ đó Chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các tổ chức tài trợ vốn cho dự án, đóng góp lớn vào ngân sách và tạo hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương…
Được biết, thời gian qua,nhận thức được tầm quan trọng của dự án, toàn bộ hệ thống chính trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nỗ lực vào cuộc với mục đích đẩy nhanh tiến độ dự án NMNĐ Thái Bình 2. Lãnh đạo và người lao động PVN đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đối thoại và gặp gỡ trực tiếp với các nhà thầu xây dựng dự án để tìm ra phương án cụ thể giải quyết các vấn đề liên quan như công nợ của các nhà thầu về vật tư, nhân công.
Đặc biệt, PVN đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh Thái Bình tuyên truyền, ổn định tư tưởng của người dân trong và quanh khu vực dự án. Bởi đơn giản dự án chính là sự mong chờ khắc khoải của người dân địa phương, nhất là người dân huyện Thái Thụy, những người đã hy sinh đất đai, nhà cửa để xây dựng Trung tâm điện lực Thái Bình, nguồn điện quan trọng cho phát triển kinh tế vùng Duyên hải Bắc bộ.
Có thể thấy rằng, sự cấp bách về nguồn điện phát triển kinh tế quốc gia, nỗ lực của những người Dầu khí chân chính, sự mong đợi từng ngày của chính quyền và nhân dân Thái Bình… vẫn chưa thể khiến dự án NMNĐ Thái Bình 2 bước thêm một bước cuối cùng để về đích bởi những khó khăn vướng mắc xuất phát từ cơ chế, thuộc thẩm quyền xử lý của các Bộ, ngành, Chính phủ.Tín hiệu tích cực là Thường trực Chính phủ đã họp bàn riêng về dự án NMNĐ Thái Bình 2 và đã có kết luận để tháo gỡ các khó khăn nhưng văn bản cuối cùng về “số phận” của nhà máy nhiệt điện trên quê lúa vẫn đang được chủ đầu tư và các nhà thầu thi công mong chờ.
Ngày 22 tháng 11 năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam biểu quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với 92% phiếu đồng thuận. Và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiên đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng với công suất lớn”. |