Hơn 121.000 doanh nghiệp “khai sinh”, 80% “chết yểu”
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 08:55, 25/12/2018
Trong một báo cáo vừa phát hành, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2018 đã ghi nhận sự thay đổi đáng kể. Theo đó, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và đóng cửa tăng đột biến trong khi số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng chậm.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia phân tích tại VDSC, nỗ lực cải cách trong thời gian qua dường như chưa đủ toàn diện. Các doanh nghiệp nhỏ vẫn chịu tác động bởi quá trình cải cách môi trường kinh doanh chậm chạp này.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp mới thành lập đạt 121.248 với tổng vốn đầu tư trên 1,23 triệu tỷ đồng trong 11 tháng 2018, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và 9,1% về số vốn so với cùng kỳ. Mức này thấp hơn tương đối so với kết quả tăng trưởng 14,1% và 41,9% trong cùng kỳ 2017.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đăng ký mới, theo sau là xây dựng, sản xuất và bất động sản.
Nhìn chung, xu hướng tăng được ghi nhận từ 2014 nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô tốt hơn và nới lỏng quy định luật pháp. Trong 2013-2016, Việt Nam nới lỏng quy định thành lập doanh nghiệp thông qua việc cho phép sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in và cắt giảm thời gian chờ đợi con dấu. Hiện tại, cơ quan hành chính cũng công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử và giảm chi phí đăng ký doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo VDSC, nỗ lực cải cách vừa qua chưa đủ toàn diện, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp khó có thể tồn tại sau 3 năm.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa tăng đột biến, lên 97.969 từ 75.413 doanh nghiệp, tăng 40% so cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2018. Nghĩa là con số “chết yểu” tương đương với 80% số vừa mới “khai sinh”.
Tại Việt Nam, 96% doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ. Các chỉ số lợi nhuận của khối doanh nghiệp này cũng thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp vừa và lớn. Mặc dù nguồn lực bị giới hạn, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng không dễ do yếu tố tài sản đảm bảo. Khảo sát của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ ghi nhận lỗ 1,5 tỷ USD trong năm 2016 trong khi các khoản thuế và phí phải đóng lên tới gần 2 tỷ USD.
Theo quan điểm của VDSC, nỗ lực cải cách trước đó dường như mới chỉ tháo gỡ khó khăn trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mà chưa có sự hỗ trợ toàn diện dành cho khối tư nhân, đặc biệt khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới, tiêu chí thành lập doanh nghiệp ghi nhận mức điểm 84,8, cao thứ hai chỉ sau tiêu chí tiếp cận điện. Tiêu chí thành lập doanh nghiệp đo lường số lượng thủ tục hành chính, thời gian, chi phí và vốn đăng ký tối thiểu đối với doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn tại các thành phố lớn của từng quốc gia.
Như đề cập phía trên, Việt Nam đang làm khá tốt những công đoạn này. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tín dụng, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán chưa cải thiện.
Trong các năm tới, VDSC kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tốt hơn, nhất là đối với khu vực tư nhân, rất thiết yếu và cấp bách. Nghị quyết Đại Hội Đảng XII cũng đã khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong sự phát triển kinh tế. Hiện tại, dự thảo cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khu vực SMEs vẫn đang được xem xét.