Bà Stéphanie Gay-Torrente: Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để tổ chức một sự kiện tầm cỡ như Pollutec
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:06, 17/12/2018
PV: Năm nay Pollutec tập trung nhiều về nền kinh tế tuần hoàn, với rất nhiều hoạt động liên quan (hội nghị thượng định các thành phố và vùng cam kết thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tham quan thực địa…). Vậy bà đánh giá thế nào về xu hướng của nền kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới và đặc biệt ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam?
Bà Stéphanie Gay-Torrente:Pollutec kỷ niệm 40 năm thành lập vào năm nay. Và thực tế là 40 năm qua đã chứng kiến từng bước phát triển và tiến bộ của triển lãm, từ việc xử lý môi trường cho đến ngày nay là sự chuyển đổi các mô hình. Nền kinh tế tuần hoàn là một chủ đề hoàn toàn phù hợp với định hướng này của triển lãm.
Nền kinh tế tuần hoàn, có nghĩa là tiêu dùng nhiều hơn để bỏ đi ít hơn. Và với Pollutec, mục tiêu khi tổ chức triển lãm là để có thể chỉ ra - chứng minh một cách chính xác nhất cách thức các ngành công nghiệp áp dụng khái niệm nền kinh tế tuần hoàn vào toàn bộ chuỗi giá trị của họ.
Trên triển lãm năm nay có rất nhiều hoạt động liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn, trong đó nổi bật có Hội nghị thượng đỉnh các thành phố và vùng cam kết thực hiện nền kinh tế tuần hoàn mà anh đã nhắc tới. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc đến rất nhiều các hội thảo được tổ chức tại các diễn đàn chuyên ngành trong suốt 4 ngày của triển lãm, đề cập đến nền kinh tế tuần hoàn và cách thức áp dụng mô hình này trong thực tế. Tôi cũng muốn nhấn mạnh tới hai phần trưng bày và biểu diễn tiêu biểu mà chúng tôi đưa vào triển lãm năm nay, minh họa rõ nét cho mô hình nền kinh tế tuần hoàn: Chuỗi quản lý hoàn chỉnh đối với xe đã qua sử dụng và điện thoại di động cũ. Trong phần biểu diễn này, rất nhiều đơn vị đã tập hợp lại, cùng nhau cho chúng ta thấy một sản phẩm vẫn đem lại giá trị như thế nào ngay cả khi vòng đời sản phẩm đã kết thúc.
Đối với chiếc xe đã qua sử dụng, doanh thu có thể tạo ra từ việc phân tách, thu hồi các bộ phận của chiếc xe. Có những bộ phận sau đó được tái chế, có những bộ phận được tái sử dụng, tỷ lệ này lên tới 99%. Chỉ còn 1% còn lại trở thành rác thải, được xử lý theo các quy trình xử lý rác thông thường. Tương tự như vậy đối với điện thoại di động, tái chế hoặc tái sử dụng.
Nhắc đến mô hình nền kinh tế tuần hoàn, một mô hình tiên tiến hiện nay, chúng ta thường nghĩ đến công nghệ hiện đại, “hitech”. Nhưng không phải như vậy trong mọi trường hợp. Nhiều khi, mô hình nền kinh tế tuần hoàn hoàn toàn có thể mang tính chất “lowtech”, không dính dáng nhiều đến công nghệ mà chủ yếu là ở cách thức tổ chức, vận hành. Ở đây tôi đang nói đến các nước đang phát triển, các quốc gia mới nổi. Bởi vì mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn là sử dụng ít nguồn tài nguyên hơn. Khi các nguồn tài nguyên không có sẵn, mô hình quản lý sản phẩm này sẽ tái tạo tài nguyên hoặc vật liệu, điều này hoàn toàn phù hợp để phát triển tại Đông Nam Á, Nam Mỹ, hay Châu Phi. Một số công ty tại các quốc gia này đã bắt đầu phát triển mô hình này để thu hồi chất thải và biến chúng thành vật liệu mới hoặc thiết bị mới.
Có thể nói, mô hình nền kinh tế tuần hoàn là sự pha trộn giữa “hitech” và “lowtech”. Và tại Pollutec, chúng tôi có được sự pha trộn đó. Chúng tôi có những công ty đem đến các công nghệ tiên tiến hàng đầu, nhưng chúng tôi cũng có các doanh nghiệp và các quốc gia tới triển lãm với các giải pháp mang tính tổ chức, và vẫn phát huy hiệu quả.
Không phải chỉ có công nghệ mới giúp con người giảm thiểu tác động đối với môi trường, mà quan trọng là sự đổi mới trong cách nhìn nhận, cách tiếp cận và làm việc.
Một ví dụ cụ thể khác là Trung Quốc hiện nay đã đóng cửa biên giới đối với hoạt động thu hồi rác thải từ nước ngoài. Quốc gia này từng nhập khẩu hàng loạt rác thải từ các nước phương Tây, nhưng ngày nay hoạt động này đã dừng lại. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về việc phát triển các chuyên ngành để xử lý tại chỗ rác thải của chúng ta, giảm thiểu lượng rác thải, hoặc phải tiêu dùng tốt hơn để xả ra ít hơn. Như vậy, nền kinh tế tuần hoàn là một xu hướng vừa mang lợi ích kinh tế mà cũng đồng thời đem lại các lợi ích xã hội, như việc tạo ra việc làm mới cho cách ngành mới.
PV: Pollutec đã làm việc với Việt Nam từ nhiều năm, đặc biệt là triển lãm 2016 khi Việt Nam là quốc gia khách mời danh dự và năm 2018. Vậy bà đánh giá như thế nào về sự tham gia của các đơn vị Việt Nam tại Pollutec và mức độ cam kết của doanh nghiệp Việt Nam với các hoạt động trong lĩnh vực môi trường ?
Bà Stéphanie Gay-Torrente:Chúng tôi đã làm việc với Việt Nam từ nhiều năm và đặc biệt từ năm 2015 khi Paris là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh COP 21. Ở đó chúng tôi đã nhận thấy được sự cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu ảnh hưởng tới khí hậu.
Từ những hoạt động đã đồng hành cùng phái đoàn Việt Nam và đặc biệt là tại Pollutec 2016 khi Việt Nam là Quốc gia khách mời danh dự tại triển lãm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham dự cắt băng khánh thành cũng như tham gia Tọa đàm với các phóng viên quốc tế tại trường quay Plateau TV của Pollutec.
Chúng tôi cảm nhận và đánh giá được sự nghiêm túc, tích cực và ý chí quyết tâm của các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương trong các hoạt động bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khỉ hậu và thảm họa thiên nhiên, đặc biệt khi Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như nước biển dâng, xâm ngập mặn làm ảnh hưởng đến nông nghiệp, ô nhiễm môi trường từ các nước láng giềng…
Chúng tôi cũng được biết nhiều quy định pháp luật đã được thông qua và đưa vào áp dụng để siết chặt quản lý đối với các nhà công nghiệp, nhiều khoản đầu tư tại các tỉnh để giải quyết các vấn đề về nước, về rác thải nhằm góp phần phát triển các ngành nông nghiệp, thực phẩm hay du lịch.
PV: Vậy những điểm nào của doanh nghiệp Việt Nam khiến bà thấy ấn tượng nhất?
Bà Stéphanie Gay-Torrente:Việt Nam cũng có một môi trường kinh doanh năng động mà chúng tôi đã được biết trong sự kiện Quốc gia danh dự năm 2016, trong đó, có rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển các công nghệ cho ngành môi trường, đặc biệt là trong ngành quản lý nước và chất thải. Vì vậy, ở đây tôi thấy rõ sự năng động của các đơn vị Nhà nước và tư nhân Việt Nam, cũng như nhiều tiềm năng về hợp tác được mở ra mà tôi hy vọng Pollutec có thể cùng tham dự, để đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các giải pháp môi trường tại Việt Nam.
PV:Pollutec đã có 40 năm phát triển tại châu Âu, bà có nghĩ đã đến lúc có 1 phiên bản Pollutec châu Á ? Việt Nam có được coi là 1 lựa chọn tốt để xem xét?
Bà Stéphanie Gay-Torrente:Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một quốc gia trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Không chỉ vị trị địa lý mà cả bối cảnh và chính trị, cũng như sự tham gia của Nhà nước và các chủ thể kinh tế, thêm với sự năng động của hệ sinh thái kinh doanh, đều rất thuận lợi cho việc tổ chức một sự kiện như Pollutec ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu đến mức độ đa dạng của các lĩnh vực, chuyên ngành môi trường tại Việt Nam và tiềm năng của đất nước trong việc thu hút các công ty quốc tế đến tham dự sự kiện để có thể có câu trả lời cụ thể hơn.
Việc chọn lựa Việt Nam là nơi tổ chức Pollutec vẫn còn là một chủ đề chúng tôi cần thảo luận và muốn thảo luận với các đơn vị Việt Nam quan tâm, từ các cơ quan Nhà nước, ban ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội hay đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Cá nhân tôi luôn sẵn sàng trao đổi để hợp tác.
Và tôi cũng muốn thông tin thêm tới các bạn, chúng tôi hiện đang tính tới việc tổ chức một triển lãm chuyên về môi trường biển. Sự kiện này được lấy cảm hứng từng những cuộc gặp và chuyến làm việc của chúng tôi với phía Việt Nam, và nếu chúng tôi có thể tổ chức sự kiện này vào năm 2019, chúng tôi rất hân hạnh được chào đón đoàn Việt Nam tại triển lãm với cương vị khách mời danh sự cho dịp này./.
Xin cảm ơn Bà về cuộc trao đổi này!