Quảng Nam: Doanh nghiệp cần cân nhắc, chia sẻ lợi ích với người dân

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:52, 07/12/2018

(TN&MT) - Đó là phát biểu của ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong buổi tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc của Công ty Cổ phần Đóng tàu Thiên Hậu Phước (tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành).
UBND tỉnh Quảng Nam tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (ảnh Linh Chi)
UBND tỉnh Quảng Nam tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ảnh: Linh Chi

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã chủ trì buổi tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc của Công ty Cổ phần Đóng tàu Thiên Hậu Phước. Theo phản ánh của công ty, đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất vào năm 2016, với tổng diện tích gần 24.000 m2 tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) để xây dựng cơ sở đóng tàu cá vỏ thép công suất lớn và sửa chữa tàu thuyền.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai một số hạng mục của dự án đã bị người dân địa phương cản trở. Sự việc cũng đã được doanh nghiệp báo cáo chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ngoài ra, Công ty cũng đề xuất tỉnh Quảng Nam có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực đóng tàu như một số địa phương khác có tiềm năng phát triển kinh tế biển trong khu vực.

Trước những  phản ánh của doanh nghiệp và ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã chỉ đạo giải quyết rốt ráo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngay tại cuộc họp.

Nhà máy đóng tàu Thiên Hậu Phước tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam
Nhà máy đóng tàu Thiên Hậu Phước tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Núi Thành chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân trong vùng dự án để giải thích, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời tổ chức cắm mốc theo đúng quy định, và báo cáo kết quả với UBND tỉnh Quảng Nam trước ngày 20/12. Ông Tân cũng lưu ý doanh nghiệp cần cân nhắc, chia sẻ lợi ích với người dân trong vùng.

Về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lĩnh vực đóng tàu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết: hiện nay, ngoài các cơ chế hỗ trợ của Trung ương (Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Nghị định 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ) còn có Quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh Quảng Nam hỗ trợ vay đóng mới, cải hoán, nâng cấp, sửa chữa tàu… Đối với huyện Núi Thành, về lâu dài cần phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam để nghiên cứu, quy hoạch bố trí địa điểm neo đậu tàu thuyền cho ngư dân.

Được biết, Thiên Hậu Phước là Nhà máy đóng tàu vỏ thép có quy mô lớn đầu tiên tại Quảng Nam có công suất đóng mới và sửa chữa trên 214 chiếc/năm tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.