Hội thảo “Mô hình LNG cho tổ hợp khí-điện tại Sơn Mỹ – Bình Thuận”

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:59, 12/11/2018

(TM&MT) - Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS vừa đăng cai đăng cai tổ chức Hội thảo “Mô hình khí thiên nhiên hóa lòng (LNG) cho tổ hợp khí - điện tại Sơn Mỹ – Bình Thuận”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, PVPower và Tổ hợp Nhà đầu tư dự án Sơn Mỹ 1: Bà Valerie Dijkstra – Giám đốc dự án Sơn Mỹ 1; đại diện lãnh đạo các công ty tham gia đầu tư Kiushu, Sojitz, PAC và Ông Nguyễn Phan Đính, đại diện phát triển Kinh doanh tại khu vực Châu Á cũng như các chuyên gia của EDF – Tập đoàn chuyên đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng với 85% vốn sở hữu của chính phủ Pháp. Tham dự buổi làm việc về phía PV GAS có ông Hồ Tùng Vũ – Phó TGĐ và một số lãnh đạo các ban/đơn vị chuyên môn liên quan của PV GAS.

hoi thao 3
Quang cảnh Hội thảo

Nhiệt điện Sơn Mỹ là nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG nhập khẩu. Trong đó, LNG sẽ được nhập khẩu thông qua dự án kho cảng nhập LNG của PV GAS nằm tại khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, dự kiến đi vào hoạt động sau 2020 với công suất giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 là 6 triệu tấn LNG/năm.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1 có công suất 2000 MW với 3 tổ máy, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2027 theo quy hoạch điện điều chỉnh. Dự án nằm trong Tổ hợp chuỗi dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ bao gồm: Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1, 2 và 3, được xây dựng tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (trong Khu liên hợp Công nghiệp dịch vụ - Dầu khí Sơn Mỹ), có tổng công suất 4.000MW.

;
Bà Valerie Dijkstra – Giám đốc dự án Sơn Mỹ 1

Tại hội thảo, các bên đã cập nhật tình hình chuỗi dự án LNG Sơn Mỹ; trao đổi kinh nghiệm về nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực LNG, trong đó đáng chú ý có nội dung chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến việc đàm phán nhập khẩu LNG; cấu trúc thương mại và cách thức tổ chức của các dự án thuộc chuỗi LNG; việc tổ chức phối hợp giữa các bên cũng như các quy định và thẩm quyền của các cơ quan chức năng liên quan đến việc triển khai dự án. Ngoài ra, trước sự quan tâm của đối tác đến dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, PV GAS cũng cho biết, đơn vị này luôn chào đón sự tham gia của các nhà đầu tư có kinh nghiệm và phù hợp trong việc đầu tư phát triển dự án.

.
Các đại biểu chụp ảnh lưu  niệm tại tòa nhà PV GAS

Lãnh đạo và đại diện các bên đều nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa sự trao đổi hợp tác các bên để tận dụng triệt để các cơ hội hợp tác trong tương lai. Bà Valerie Dijkstra – Giám đốc dự án Sơn Mỹ 1 cũng cho biết, các bên sẽ xem xét việc tổ chức các tổ công tác để phối hợp, triển khai đàm phán Hợp đồng mua khí (GSA) cũng như ký kết các văn bản để tạo cơ sở cho việc hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.

Ông Hồ Tùng Vũ đã thể hiện sự vui mừng và trân trọng được đón tiếp các đại diện của Bộ Ngành và các đối tác trong chuỗi giá trị LNG trong dự án Sơn Mỹ tham gia trao đổi tại hội thảo, cũng như cảm ơn sự hợp tác của Tổ hợp Nhà đầu tư dự án điện Sơn Mỹ 1 trong việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tổ chức hội thảo.

Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3.

Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị.

Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.