Bộ chỉ số PVN-Index: Tin cậy, chuẩn mực quốc tế
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:42, 06/11/2018
Bộ chỉ số PVN-Index
Bộ chỉ số PVN-Index còn giúp nhà đầu tư có thêm một chỉ số để đo lường hoạt động của ngành Dầu khí; nâng cao tính minh bạch - một yếu tố rất quan trọng khi PVN muốn hướng ra thị trường quốc tế.
PVN-Index gồm rất nhiều chỉ số: PVN All-Share, PVN All-Share Continuous, PVN All-Share HSX, PVN All-Share HNX, PVN Vật liệu cơ bản, PVN Dịch vụ tiêu dùng, PVN Tài chính, PVN Công nghiệp, PVN Dầu khí, PVN Dịch vụ tiện ích, PVN 10.
Các chỉ số PVN-Index được tính theo hai phương pháp: Chỉ số giá và chỉ số lợi nhuận. Mỗi chỉ số đều được quy đổi ra bốn loại tiền tệ: EUR, JPY, USD và VND.
Chỉ số PVN được chia làm 2 nhóm: Chỉ số đại diện (những chỉ số theo sát cả thị trường hoặc sự biến động của một ngành nhất định) và chỉ số đầu tư (được thiết kế để làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm phái sinh).
Chỉ số đầu tư là chỉ số PVN 10, bao gồm 10 mã cổ phiếu (của các doanh nghiệp thuộc PVN) có giá trị vốn hóa phần cổ phiếu tự do giao dịch và giá trị giao dịch lớn nhất. PVN 10 phản ánh hoạt động của các mã tiêu biểu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Tháng 8-2017 đánh dấu một bước phát triển mới trên TTCK Việt Nam khi chứng kiến sự ra đời của sản phẩm phái sinh đầu tiên, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F), được nhà đầu tư đón nhận tích cực.
Theo dự kiến, năm 2018, TTCK sẽ đón nhận thêm các sản phẩm mới, đầu tiên là chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) và sau đó là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.
Để thị trường tài chính trong nước vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế, đồng thời tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thì việc xây dựng TTCK phái sinh là cần thiết, đa dạng hóa kênh đầu tư, từ đó làm tăng tính cạnh tranh của TTCK Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính lớn hàng đầu thế giới cũng đã được thiết lập và duy trì tốt đẹp. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đã tạo uy tín cho Việt Nam, nhờ đó, TTCK phái sinh sẽ có cơ hội phát triển, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại.
Về lâu dài, Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam” đặt ra mục tiêu sau năm 2020 là “tiến tới xây dựng một TTCK phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế” và “về dài hạn, các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên sở giao dịch chứng khoán”.
Trên cơ sở đó, TTCK phái sinh trong tương lai được quản lý tập trung, phát triển đa dạng các sản phẩm giao dịch bao gồm các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đối với cả chứng khoán (trong đó có chỉ số ngành), tiền tệ và hàng hóa.
PVN-Index là bộ chỉ số ngành Dầu khí đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, có mặt từ tháng 8-2012 và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ để đánh giá và phân tích đáng tin cậy cho các nhà đầu tư. Đây có thể là chỉ số nền để phát triển các sản phẩm mới trên TTCK phái sinh hay phát triển các quỹ ETFs.
Hiện nay, TTCK phái sinh Việt Nam mới hình thành, việc phát triển các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số, là xu hướng tất yếu, giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư, hạn chế rủi ro.
Cùng với những công cụ đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, sự có mặt của các sản phẩm chứng khoán phái sinh (trong đó có sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số) không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm cho nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển của TTCK lên một tầm cao hơn.
Tầm quan trọng của chỉ số chứng khoán ngành
Nhận thức được tầm trọng của việc đưa vào triển khai một bộ chỉ số trung bình ngành Dầu khí, từ năm 2010, PVN đã chỉ đạo Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) nghiên cứu và vận hành bộ chỉ số chứng khoán ngành Dầu khí làm nền tảng phát triển các sản phẩm phái sinh, hợp đồng quyền chọn… trên TTCK Việt Nam với mục đích đa dạng hóa các kênh đầu tư cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Các chỉ số chứng khoán ngành cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn lịch sử về kết quả hoạt động chung của các ngành trên TTCK, giúp nhà đầu tư hiểu sâu sắc hơn về thị trường, có quyết định đầu tư hợp lý, hạn chế rủi ro, đa dạng hóa danh mục so với việc lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ.
Đó cũng là thước đo để nhà đầu tư có thể sử dụng để so sánh và phân tích hiệu suất đầu tư danh mục của mình so với thị trường. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể sử dụng chỉ số chứng khoán ngành để biết được nhà quản lý sử dụng tiền của mình đầu tư hiệu quả như thế nào.
Chỉ số chứng khoán ngành còn là một công cụ để nhà đầu tư có thể dự đoán xu hướng thị trường, có thể đem đến cái nhìn rõ ràng hơn về từng ngành (cổ phiếu hiện đang đắt hay rẻ, đang hấp dẫn hay rủi ro…).
Chỉ số chứng khoán ngành rất phổ biến trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới đều đã phát triển hàng trăm bộ chỉ số khác nhau. Chẳng hạn, ở Mỹ có DJTA (Dow Jones Transportation Average) - chỉ số của ngành giao thông vận tải và DJUA (Dow Jones Utility Average) - chỉ số của ngành dịch vụ công ở thị trường Mỹ... Nhật có Topix 17 sector indexes với tất cả các ngành: xây dựng, vật liệu cơ bản, dịch vụ, tài chính… Ở Hàn Quốc là KRX Banks (ngành ngân hàng), KRX Transportation (ngành vận tải), KRX Energy & Chemical (ngành năng lượng và hóa chất)….
Trên TTCK Việt Nam ngoài 2 chỉ số chính thức là VN-Index và HNX-Index, một số chỉ số chứng khoán khác đã được các tổ chức tài chính trong và ngoài nước tính toán và công bố như: FTSE Vietnam All-share, FTSE 10, SSI 30, DCVN 30, VIR50…
Ngày 25/1/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM chính thức phân ngành các công ty niêm yết theo chuẩn GICS® và triển khai 10 chỉ số ngành về các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp, dịch vụ tiện ích, năng lượng…