Bình Định: Doanh nghiệp khai thác, chế biến đá nỗ lực vượt khó

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 23:49, 30/10/2018

(TN&MT) - Hiện nay, ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá của các doanh nghiệp đóng tại tỉnh Bình Định đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ...

 

(TN&MT) - Hiện nay, ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá của các doanh nghiệp đóng tại tỉnh Bình Định đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ kịp thời để phát triển.
 

A1

 

Nhiều khó khăn
 

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 80 DN hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến đá xây dựng các loại, với tổng công suất chế biến đá ốp lát và đá mỹ nghệ đạt trên 8 triệu m2/năm. Sản phẩm khai thác, chế biến chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động.
 

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Bình Định là tỉnh có nhiều tiềm năng trữ lượng và chủng loại đá phục vụ chế biến đá xây dựng. Theo khảo sát, trữ lượng đá granite và đá bazan trên địa bàn tỉnh này có khoảng 700 triệu m3, với nhiều chủng loại đá quý như: màu vàng tổ ong, vân xám nhạt, màu trắng sáng chấm đen, đặc biệt là màu đỏ rubi. Với lợi thế này, những năm gần đây sản phẩm đá granite Bình Định đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá của tỉnh phát triển.
 

Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến đá tỉnh Bình Định đạt 2.719 tỉ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 6,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu đá các loại trong 9 tháng ước đạt 22,7 triệu USD, chiếm tỉ trọng 3,9% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu đá của Bình Định hiện có mặt tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Đức…
 

Tuy có sự phát triển nhưng hiện ngành công nghiệp này tại tỉnh Bình Định đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là nguồn nguyên liệu khai thác tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy chế biến. Trong khi đó, việc mua nguyên liệu từ các tỉnh lân cận cũng gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt về giá. Nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có chất lượng không cao và đang bị Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá, gây khó khăn cho các DN chế biến.
 

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm đá còn gặp nhiều khó khăn và chịu sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia... Ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành đá chưa được DN tham gia đầu tư, phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc từ các tỉnh, thành phố lân cận làm tăng giá thành, giảm giá trị gia tăng của sản phẩm…
 

A2


Vực dậy bằng cách nào?
 

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định. Tại buổi làm việc lãnh đạo Hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị tỉnh quan tâm, tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN chế biến đá hiện nay. 
 

Ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá Bình Định - nêu kiến nghị: "Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến ổn định và lâu dài, đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành lập quy hoạch thăm dò, khai thác các mỏ đá granit, bazan trên địa bàn toàn tỉnh. Kiến nghị UBND TP Quy Nhơn xem xét giảm mức thu giá dịch vụ xử lý bột đá tại khu xử lý chất thải Long Mỹ từ 15.562 đồng/tấn xuống còn 10.000 đồng/tấn. Tiến hành nâng cấp đường giao thông vào khu xử lý bột đá Long Mỹ để đáp ứng cho xe có tải trọng trên 15 tấn ra vào".


Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị tỉnh Bình Định xem xét giảm giá dịch vụ cho thuê cơ sở hạ tầng và các chi phí liên quan tại KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ. Tăng cường ngăn chặn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động nhập khẩu đá granite làm lũng đoạn thị trường. Tỉnh xem xét lùi thời gian thực hiện yêu cầu lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan, tạo điều kiện để DN chuẩn bị nguồn vốn đầu tư xây dựng và sắp xếp lại mặt bằng hợp lý, ổn định sản xuất.    
 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ghi nhận những nỗ lực của Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá Bình Định thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn các DN đang gặp phải. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT rà soát lại quy hoạch các mỏ đá trên địa bàn tỉnh để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho các DN chế biến. Giao UBND TP Quy Nhơn xem xét, đề xuất mức thu giá dịch vụ xử lý bột đá hợp lý và tiến hành mở đường cho xe bột đá có tải trọng trên 15 tấn ra, vào khu xử lý chất thải Long Mỹ; đề xuất cơ chế quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tại KCN Phú Tài với mức phí phù hợp. UBND tỉnh giao Cục Hải quan phối hợp với các ngành kiểm tra chặt chẽ vấn đề buôn lậu và gian lận thương mại trong nhập khẩu đá granite qua cảng quốc tế Quy Nhơn. Giao Cục Thuế tỉnh tổng hợp vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng của các DN khai thác và chế biến đá tại Bình Định để báo cáo Bộ Tài chính giải quyết…
 

Cần xây dựng tái cơ cấu lại ngành theo hướng công nghiệp hiện đại
 

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá cũng cần phải xây dựng tái cơ cấu lại ngành theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các DN xây dựng chiến lược sản xuất - kinh doanh dài hạn, đặc biệt là phải có kế hoạch đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ và tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng với yêu cầu thực tế. Hiệp hội cung cần nâng cao vai trò của mình trong việc tập hợp lực lượng, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tổ chức khai thác, chế biến với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, trình độ kỹ thuật để sản xuất đá chất lượng tốt và có biện pháp bảo vệ môi trường tại các mỏ khai thác đá...